“Căn bệnh” sợ trách nhiệm
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:11, 24/06/2022
Rõ nhất là trong ngành y tế. Hàng loạt vụ án liên quan ngành y tế đã tác động mạnh tới tâm lý và cả tâm tư tình cảm của cán bộ ngành y, làm đình trệ hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế để phục vụ người bệnh; ở TP. Hồ Chí Minh, nhân viên y tế ồ ạt nghỉ việc hàng loạt. Tình hình “căng” tới mức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri TP. Hồ Chí Minh cách đây 3 ngày, đã yêu cầu thành phố phải sớm ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế, nhanh chóng giải bài toán thiếu thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ nhân dân, đồng thời xốc lại tinh thần làm việc cho cán bộ, nhân viên ngành y tế.
Thực ra không phải bây giờ, mà “căn bệnh” sợ trách nhiệm đã xuất hiện từ khi Đảng ta đẩy lên mức quyết liệt cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ở TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm bộc phát sau khi hàng loạt vụ khởi tố, bắt giam các cán bộ nguyên là lãnh đạo các thời kỳ, do các sai phạm về đất đai, dự án. Tình trạng co cụm, cán bộ “sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc”, hay “làm gì cũng sợ sai”, đã kéo chậm tốc độ tăng trưởng của 2 “đầu tàu” kinh tế này.
Ở Bình Thuận, sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các sai phạm liên quan đến một số dự án, khởi tố, bắt giam một số cán bộ, đã xuất hiện tâm lý làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Dư luận hy vọng đội ngũ cán bộ, đảng viên sớm xốc lại tinh thần làm việc, vì sự phát triển của quê hương Bình Thuận. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi giao nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm nay, đã yêu cầu nhanh chóng khắc phục tâm lý làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, ngay cả trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý.
Để tránh tình trạng cán bộ nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiều khi bị thua thiệt, rủi ro, còn cán bộ “ngồi chơi xơi nước”, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, lại được hưởng lợi vì “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”. Tháng 9/2021 Đảng ta kịp thời có Kết luận số 14 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Tại diễn đàn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa kết thúc, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi xuất hiện “căn bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ đảng viên. Không nói đến dạng cán bộ cố tình làm sai để trục lợi cá nhân, tham ô tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm. Ngay cả các cán bộ liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trước kia, nay cũng có dấu hiệu nhiễm “căn bệnh” sợ trách nhiệm, làm gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, bởi đôi khi ranh giới giữa “đúng” và “sai” cũng rất mong manh.
Cán bộ, đảng viên đang mong muốn sớm luật hóa các chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14, để tạo ra cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc, nhằm khuyến khích, bảo vệ đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, dám đổi mới, dám đột phá, thậm chí đôi khi dám “xé rào” vì lợi ích chung. Có như thế thì cán bộ, đảng viên mới yên tâm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.