Rời phố về quê
Kinh tế - Ngày đăng : 10:11, 14/06/2022
Đó là câu chuyện của cặp đôi Phạm Văn Dũng - kỹ sư điện tử và chị Lê Thị Hậu giáo viên mầm non. Sau khi tốt nghiệp đại học, cũng như nhiều bạn trẻ khác cả 2 vợ chồng đem sở học của mình làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng nguồn thu nhập không được là bao. Đôi vợ chồng trẻ, đau đáu một ước vọng là muốn về quê hương khởi nghiệp. Qua quan sát và tìm hiểu học hỏi, họ nhận thấy mô hình trồng nấm mối đen là phù hợp với khí hậu, điều kiện ở địa phương. Được sự động viên và hỗ trợ tài chính của cha mẹ 2 bên, vào cuối năm 2017, vợ chồng anh Dũng đã đầu tư 350 triệu đồng xây dựng cơ sở trồng nấm mối đen với diện tích là 100 m2. Vụ đầu tiên mang tính thử nghiệm nên anh Dũng quyết định đặt mua 2.000 phôi giống ở tỉnh Đồng Nai đem về trồng để tiện theo dõi, rút kinh nghiệm. Điều không may là nguồn phôi giống anh mua không bảo đảm chất lượng nên lượng nấm mọc không nhiều và thời gian thu hoạch chỉ được 4 tháng, bằng 2/3 thời gian theo độ chuẩn khi trồng nấm đạt. Kết quả vụ này, gia đình anh Dũng bán nấm chỉ thu được số tiền ngang bằng với đầu tư nguồn giống, công chăm sóc coi như mất trắng. Nhưng qua đó anh rút nhiều kinh nghiệm để phát triển nghề trồng nấm sau này. Thấy khâu giống là rất quan trọng, anh Dũng quyết định dành 1 tháng vào TP. Hồ Chí Minh, học nghề làm phôi giống nấm. Trở lại quê nhà, sau 2 lần vừa sản xuất vừa học hỏi, rút kinh nghiệm thêm, đến đầu năm 2020 họ đã sản xuất thành công phôi giống nấm mối đen.
Anh Phạm Văn Dũng cho biết: “Việc sản xuất được phôi giống nấm mối đen hữu cơ giúp cho chính gia đình chủ động nguồn giống chất lượng để trồng; đồng thời xuất bán cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh đó, qua áp dụng cải tiến kỹ thuật, mô hình trồng nấm mối đen của gia đình anh Dũng nay đã hoàn toàn khép kín. Bên trong nhà trồng có gắn máy lạnh và hệ thống phun sương để điều chỉnh nhiệt độ luôn ở mức 24 -280C và độ ẩm thích hợp cho nấm mối đen sinh trưởng, phát triển. Theo anh Phạm Văn Dũng: “Để trồng nấm mối đen thành công thì 2 yếu tố phôi giống và môi trường là hết sức quan trọng. Phôi giống chất lượng thì khi trồng nấm ít bị sâu bệnh, năng suất cao hơn và cần sự chăm sóc trong một môi trường có nhiệt độ từ 24 - 280C, độ ẩm 75 - 85%. Có vậy nấm mới phát triển nhiều và kéo dài thời gian thu hoạch, cho năng suất cao”.
Hiện nay, việc trồng nấm và sản xuất phôi giống mối đen giúp mỗi tháng vợ chồng anh Dũng thu thực lãi 50 triệu đồng.
Không chỉ tập trung cho sản xuất kinh doanh, gia đình anh Dũng còn sẵn sàng liên kết, hỗ trợ cho những nông dân khác cùng phát triển nghề trồng nấm mối đen, nhất là hỗ trợ nguồn giống, kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Duy Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh nhận xét: “Mô hình trồng nấm mối đen hữu cơ của vợ chồng anh Phạm Văn Dũng là mô hình trồng nấm mối đầu tiên trên địa bàn. Qua theo dõi thấy mô hình này phát triển tốt, sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường và có triển vọng mở rộng. UBND xã Đức Hạnh đang có hướng quan tâm hỗ trợ gia đình anh Dũng xây dựng sản phẩm nấm mối đen này thành sản phẩm OCOP, giúp phát triển kinh tế gia đình, kinh tế xã hội”.