Ngày Gia đình Việt Nam: Tôn vinh giá trị gắn kết

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:10, 28/06/2022

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) luôn có những giá trị rất riêng. Đây cũng là dịp để tôn vinh những giá trị cơ bản nhất...
unnamed-5.jpg
Sự gắn bó, gần gũi của gia đình nhiều thế hệ

Tại TP. Phan Thiết vừa phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức buổi họp mặt với sự tham gia của 50 gia đình văn hóa tiêu biểu. Đó như là cách nhắc nhở những “tế bào” của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của nó trong sự phát triển chung của đất nước. TP. Phan Thiết đã tuyên truyền trực quan rất nhiều pano, áp phích về hình ảnh gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Các xã, phường trong thành phố mỗi nơi, tùy theo điều kiện tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, nấu ăn, thi đấu thể thao như nhằm truyền cảm hứng về sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

unnamed-6.jpg
Các gia đình vui chơi tại công viên Đồi Dương trong hội thi.

Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức chương trình tọa đàm “Giữ vững giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại”. Tại đây, Tiến sĩ Phạm Thị Minh Hạnh – Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Đại học Phan Thiết, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP.Phan Thiết, cán bộ công đoàn cơ sở và 50 gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn TP. Phan Thiết góp mặt. Và có lẽ, chính trong những buổi trò chuyện đó nhiều gia đình sẽ nhận ra mình đang vấp phải những điều gì. Con cái cần chia sẻ điều gì? Tại buổi tọa đàm, các gia đình đã chia sẻ về những cách để hòa hợp, tạo niềm vui cho người bạn đời và con cái, cách nuôi dạy và lựa chọn nghề nghiệp cho con, ứng xử trong gia đình nhiều thế hệ...

“Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, mọi người phải ý thức được gia đình là rất quan trọng, chỉ khi đó mới biết nâng niu, gìn giữ. Nếu người ta nhận thức được hôn nhân quan trọng như thế nào thì chắc chắn trong cuộc sống vợ chồng dù có xô lệch, bất đồng, ắt sẽ cùng nhau tìm cách khắc phục. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, cha mẹ lại càng phải gần gũi, dành thời gian và không nên áp đặt lên con trẻ. Hãy bắt đầu từ sự lắng nghe, tôn trọng, yêu thương, tạo bất ngờ, tạo cơ hội và xây dựng các nguyên tắc dựa trên sự thống nhất của mỗi thành viên” - Tiến sĩ Phạm Thị Minh Hạnh, nhìn nhận.

Có thể nhìn cái cách những gia đình tham gia trò chơi, dễ dàng cảm nhận được sự gắn bó. Dù chỉ là những trò chơi vận động, nhưng có thể nhìn thấy được hạnh phúc, sự ấm áp, những nụ cười đong đầy tình cảm vợ chồng - con cái. Nơi đó, sẽ bắt nguồn cho sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu, như: yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được các gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Quang Nhân