“Tam nông” phát triển và hội nhập. Bài 2

Chính trị - Ngày đăng : 05:09, 29/06/2022

Bài 2: Nhận thức và hành động

Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đó là một trong những quan điểm chỉ đạo được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 05/NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV).

z3520628196683_96dd9953f21b6df3f8f31ad26d9f6f45.jpg
Sơ chế thanh long sau thu hoạch

Bám ruộng vườn

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Hiền, thôn 1, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) canh tác 1.500 trụ thanh long. Tuy nhiên, vào vụ chong đèn năm nay, cả 3 lứa thu hoạch vụ nghịch không bán được. Do đó gia đình bà đã chặt bỏ bớt 500 trụ ở những vị trí đất xấu, cây phát triển kém. Riêng 1.000 trụ thanh long còn lại, đến nay bà vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc. Tuy nhiên, do giá phân bón tăng quá cao nên gia đình quyết định giãn đầu tư. Theo đó, bà chỉ duy trì chăm sóc bằng một nửa lượng phân bón so với trước đó và kết hợp bón phân hữu cơ để tiết kiệm chi phí. Bà Hiền tâm sự: “Mình đã gắn bó với cây thanh long mấy chục năm nay, có của ăn của để nhờ thanh long. Biết bao thăng trầm với nghề nông, sướng khổ đều gắn với gốc thanh long”. Nay loại cây trồng này gặp khó, bà đã không ngại tìm đến các lớp tập huấn, giới thiệu của ngành nông nghiệp để học cách bán hàng qua sàn điện tử, tìm kiếm thị trường nội địa. Còn hộ ông Võ Hồng Chiến - thôn 5 ở cùng xã có 4.000 trụ thanh long GlobalGAP, là thành viên HTX thanh long Thuận Tiến. Ông Chiến kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trong thời gian tới, nên gia đình vẫn duy trì đầu tư nhưng giãn vụ, chi phí thấp hơn bằng hệ thống tưới tiết kiệm. Dù khó khăn trong giai đoạn này, nhưng ông tin rằng với sự chịu khó đầu tư, chăm sóc của nhà vườn, cộng thêm sự hỗ trợ từ HTX, chính quyền địa phương và chính sách của Đảng, Nhà nước, sản xuất thanh long sẽ từng bước vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Và hy vọng ấy đang được nhen lên, khi giá bán thanh long trong tháng 6/2022 đã ở mức trên 20.000 đồng, vượt xa khủng hoảng trước đó.

Có lẽ chưa bao giờ sự khủng hoảng, tăng cao kỷ lục về giá cả phân bón, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như thời điểm này. Song song với khó khăn trong tiêu thụ nông sản đã và đang là vấn đề nóng, được cử tri cả nước quan tâm và được các đại biểu Quốc hội bàn luận, chất vấn nhiều tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây. Điều đó cho thấy, ngành nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và thu hút sự quan tâm, mong mỏi của nông dân cả nước. Hơn lúc nào hết, bà con cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành để cùng hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, bằng nhiều cách khác nhau. Tránh tình trạng nông dân chặt bỏ cây thanh long, phân lô bán nền, dù kiếm lời nhanh nhưng lâu dài là “chết đứng” vì không còn tư liệu sản xuất.

Đặc biệt, trước diễn biến khó lường của thị trường tiêu thụ nông sản, trong đó có thanh long, tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo trong thời gian tới đây, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, siết chặt việc nhập khẩu nông sản. Trước những tác động bất lợi đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là thanh long, nông dân luôn mong muốn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đưa ra những quyết sách đúng đắn về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, bình ổn giá cả nguyên vật liệu phục vụ nông nghiệp, kết nối thị trường.

z3520625795792_87dfd7d31c12dae3cd72c7811b88834c.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (đội nón) thị sát vườn thanh long tại Bình Thuận.

Không để nông dân đơn lẻ

Ngay sau dịp Tết Nguyên đán 2022, trước tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long của Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có chuyến thực địa, làm việc với tỉnh Bình Thuận để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Điều này thể hiện được sự quan tâm của người đứng đầu ngành nông nghiệp đối với nông dân Bình Thuận nói chung người trồng thanh long nói riêng. Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh câu nói “buôn có bạn, bán có phường”.

Theo ông Hoan, tư duy chúng ta còn mang tính mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy biết. Do đó, ông cho rằng, các địa phương cần cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất ngay từ cấp xã, không để phát triển sản xuất theo kiểu tự phát. Cùng với đó, nghiên cứu giảm chi phí đầu vào, để giảm rủi ro khi sản phẩm rớt giá. Cũng như chuyển từ xuất thanh long tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi vì đây là xu hướng của các nước để kiểm soát về dịch bệnh, thuế… Bộ trưởng cho rằng, từ câu chuyện thanh long sẽ còn nhiều nông sản khác cũng đầy thách thức về thị trường, liên kết, tiêu thụ. Do đó, một lần nữa Bộ trưởng nhắc các địa phương cần xây dựng hệ sinh thái, trong đó tất cả mọi người đều phải có tinh thần trách nhiệm. Nhất là cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Về phía chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn Bình Thuận. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã nhắc đến vai trò chủ chốt và sự phối hợp chặt chẽ của Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng Sở Công Thương và các địa phương trong việc rà soát cụ thể quy mô, tình hình sản xuất, chế biến các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình sản lượng, giá cả các loại nông sản theo từng thời điểm để có kế hoạch hỗ trợ kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước hết, đó là tập trung củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã, vận động người sản xuất tham gia vào hợp tác xã để sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP. Từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ bền vững…

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, về phía Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị trực thuộc đã có sự quan tâm đặc biệt và đã phối hợp với các bộ, ngành trong nước, các cơ quan, tổ chức và tham tán Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến tiêu thụ. Đơn cử như hội nghị trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu đường biển, 2 hội nghị trực tuyến thúc đẩy, kết nối tiêu thụ thanh long, 3 hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm thanh long vào thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và Australia...

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với thanh long Bình Thuận được nhân lên, khi trong tháng 4/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát tại 3 địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh là Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Song song, tổ chức hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành, các nhà khoa học. Qua đó nhằm nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ trái thanh long của tỉnh thời gian qua. Tại hội thảo này, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An nhấn mạnh, việc mở rộng diện tích, sản lượng thanh long, đến một thời điểm nào đó cần phải dừng lại. Cần phải có nhiều sản phẩm nông nghiệp khác để cân bằng, có quy hoạch theo quy luật thị trường. Chúng ta phải chú trọng tăng giá trị thanh long chứ không phải tăng sản lượng. Phải chuyển đổi mô hình kinh tế từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, giúp phát triển ngành nông nghiệp, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế…

“Mọi sự thay đổi đều khó khăn. Chúng ta cân nhắc quá nhiều giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng lại ít cân nhắc cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường. Chúng ta phải thay đổi”, đó là lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trong lần công tác tại Bình Thuận vào đầu năm 2022.

Bài 1: “Khủng hoảng” của sản xuất nông nghiệp

Bài 3: Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, con đường tất yếu

Kiều Hằng