Phan Thiết: Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp

Xã hội - Ngày đăng : 05:30, 29/06/2022

Dịch vụ công trực tuyến là một trong những nhiệm vụ được triển khai nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, TP. Phan Thiết đã ban hành các kế hoạch thực hiện, song tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp…

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), TP. Phan Thiết đã xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập tổ công tác, tổ giúp việc, ban hành quy chế hoạt động, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và UBND các phường, xã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06. Qua rà soát đến thời điểm này, hạ tầng thiết bị (máy tính, máy in, máy scan...) và đường truyền internet để thực hiện quy trình nghiệp vụ phục vụ tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

dvc.jpg
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm chi phí, thời gian cho người dân.

Trong 11 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực của Công an thành phố, 6 tháng đầu năm 2022 đã tiếp nhận 6 hồ sơ (3 hồ sơ đăng ký tạm trú, 1 hồ sơ đăng ký tạm vắng, 2 hồ sơ thông báo lưu trú). Công an thành phố cũng tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe mô tô, xe máy nhưng chủ yếu tiếp nhận và giải quyết trực tiếp, chưa tiếp nhận trường hợp nào qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Đối với 14 dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị thành phố, toàn thành phố đã tiếp 414 trường hợp đăng ký khai sinh, 84 trường hợp đăng ký khai tử, 98 trường hợp đăng ký kết hôn. Đồng thời liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi là 132 hồ sơ; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí cho 29 trường hợp. Các trường hợp trên đều được giải quyết đúng hạn theo quy định. Ngoài ra, Công an thành phố và các đơn vị, địa phương cũng tập trung thu nhận hồ sơ và truyền dữ liệu căn cước công dân (CCCD) lên Trung ương. Từ ngày 1/1/2022 đến 10/6/2022, đã thu nhận 18.887/27.860 hồ sơ (đạt 68%); cấp tài khoản định danh điện tử kèm hồ sơ CCCD cho 2.432 trường hợp.

Có thể thấy, việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 được thành phố thực hiện nghiêm túc, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên tỷ lệ người dân trên địa bàn thành phố sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Nguyên nhân được xác định do người dân chưa hiểu rõ lợi ích do dịch vụ công đem lại; trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, vẫn còn tâm lý nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để yên tâm hơn. Theo Tổ công tác Đề án 06 thành phố, quy trình thao tác trên các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn bất cập, gây khó khăn cho người sử dụng. Một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa trang bị đầu đọc thẻ CCCD nên chưa sử dụng CCCD có gắn chíp để triển khai trong khám, chữa bệnh BHYT.

Trước thực trạng trên, UBND TP. Phan Thiết cho biết, đã chỉ đạo Công an thành phố và các phường, xã thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Tiếp tục triển khai việc cấp CCCD gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng để phục vụ các tiện ích cho người dân. Triển khai thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp thành phố. Yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong quá trình xây dựng và vận hành, khai thác các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin…

TẤN THÀNH