Cân nhắc bán đất nông nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 05:46, 29/06/2022

Bán đất nông nghiệp để trang trải nợ nần đang là cứu cánh của nhiều nông dân hiện nay, nhưng cần phải cân nhắc kỹ, nếu không sẽ rơi vào cảnh trắng tay, trở nên nghèo đói.
20220511_140630.jpg
Bán đất sản xuất nông nghiệp, nguy cơ đối diện với đói nghèo.

Bán tư liệu sản xuất

Các Mác nói: “Lao động là cha, đất là mẹ của của cải vật chất”. Từ đó để thấy đất đai là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng. Đối với người nông dân nó là tài sản lớn duy nhất giúp phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm qua không ít nông dân Bình Thuận nhờ tư liệu sản xuất này để canh tác lúa và các loại cây ăn trái như: mít, xoài, cà phê, sầu riêng... đặc biệt là thanh long đã giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá, thậm chí giàu lên trông thấy. Tuy nhiên, khí hậu ngày càng biến đổi, thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đất sản xuất nông nghiệp, làm cho nông dân chán ngán. Điệp khúc mất mùa được giá, được giá mất mùa, thậm chí mất mùa, mất giá thường xuyên xuất hiện. Rõ nhất là 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều ngành nghề, trong đó có ngành nông nghiệp. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được phải đổ bỏ “9 tấn thanh long của chị không ai mua, ông xã chị buồn rồi đổ bệnh...”, bà Ngọc Chi ở huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ về vườn thanh 2.400 trụ nhưng không bán được vào cuối năm 2021. Bà đã vay tiền ngân hàng đầu tư vào vườn, tưởng thu hoạch trả nợ, nhưng nợ vẫn hoàn nợ.

Bà Ngọc Chi không phải là nhà vườn trồng thanh long duy nhất như vậy, mà còn rất nhiều nhà vườn trồng các loại cây khác chung số phận, như người trồng mít ở xã La Dạ. “Vài ngàn đồng 1kg mà chẳng ai mua cho, nên phải cắt bỏ...”, ông Thủ ở thôn 2, xã La Dạ, trồng 1 mẫu mít siêu sớm, xen canh sầu riêng chia sẻ về thua lỗ trong năm qua. Ông bảo: Lỗ vốn hơn 30 triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu, dầu chạy máy bơm tưới, đó là chưa tính công chăm sóc.

Không ít người bỗng dưng trở thành “con nợ” lớn của ngân hàng, của các dịch vụ cho vay. Nợ thì phải trả, nếu không thì lãi mẹ đẻ lãi con... như dồn đến đường cùng, buộc nhà vườn phải bán vườn cũng như bán đất trả nợ. “Thời gian qua trên địa bàn huyện xuất hiện mua bán đất rất nhiều, sau khi cây thanh long phá bỏ. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp cùng với các ngành, tìm giải pháp cho cây thanh long”, ông Trần Ngọc Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết tại một buổi tiếp xúc cử tri.

Cần cân nhắc

Với tài sản khác khi bán đi thì có thể mua lại, nhưng với đất đai thì rất khó, ngoại trừ những người biết đầu tư kinh doanh. Nông dân sở hữu lượng lớn tư liệu sản xuất, chỉ nên bán một phần nhỏ để giải quyết nợ nần nếu có, còn lại để sản xuất, không nên bán hết. Thực tế có nông dân bán dần dần đất trả nợ, mua xe, sắm sửa tiện nghi trong gia đình, hưởng thụ, khi các hội đoàn thể đến vận động thì nói: Đất của tôi, tôi bán là quyền của tôi... anh/chị có đảm bảo đầu ra cho sản phẩm không mà vận động để lại sản xuất. “Đi vận động người dân không bán đất rất khó, vì đầu tư sản xuất không hiệu quả, họ muốn bán đi để trang trải nợ nần...”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ một huyện chia sẻ khi đi thực tế ở địa bàn vận động chị em không bán đất.

Việc bán tư liệu sản xuất do ông bà, cha mẹ khai hoang để lại là quyền của mỗi người nhưng cần phải cân nhắc, nếu bán hết đi thì thế hệ mai sau sẽ thiếu tư liệu sản xuất. Cuộc sống đã minh chứng có rất nhiều người đang đi làm thuê, làm mướn, thuê nhà ở vì trước kia có đất nhưng cha mẹ của họ đã bán hết... Trong bối cảnh “sốt đất” vừa qua và hiện còn dư âm, không ít cha mẹ lập lại “vết xe đổ” đó, và nó hiện đang là lo ngại của không riêng chính quyền địa phương, mà còn là mối lo chung của toàn xã hội. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều nông dân tha thiết kiến nghị với đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề đầu ra nông sản, rồi giá cả vật tư nông nghiệp... Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng, chán nản với thực trạng làm nghề nông như hôm nay.

Để tiết chế mối lo, hạn chế tư tưởng bán tư liệu sản xuất, các ngành chức năng cần đẩy mạnh vào cuộc động viên, trợ lực tới nơi những gì nông dân cần, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhiều địa phương khuyến cáo bà con chỉ phá bỏ những diện tích cây trồng, già cỗi, năng suất thấp, chuyển đổi cây trồng. Nhất là thanh long, những diện tích nào đang trong giai đoạn phát triển cho năng suất cao thì nên chăm sóc, để có trái bán khi giá thành phục hồi. Khuyến khích bà con sản xuất theo chuỗi, hiện một số xã đã làm mô hình này và khi thực hiện thì người nông dân phải sản xuất theo VietGap và Global Gap xuất đi thị trường châu Âu và các nước, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác phải đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, có như vậy nông dân không vướng vào nợ nần rồi bán đất.  

Ninh Chinh