Đảm bảo nguồn lương thực trước khủng hoảng toàn cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 05:32, 30/06/2022

Sau hơn 2 năm chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, thế giới lại tiếp tục phải đương đầu với những bất ổn về an ninh năng lượng khi giá dầu thô tăng cao và mối đe dọa ngày càng hiện hữu của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Liên Hợp Quốc đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói kéo dài nhiều năm nếu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay không được giải quyết.

cham-soc-lua-o-duc-linh-anh-nl-.jpg
Chăm sóc lúa ở Đức Linh. Ảnh NL.

Theo Liên Hợp Quốc, chỉ trong 2 năm đại dịch Covid-19, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi, giá lương thực tăng hơn 30%, giá phân bón tăng hơn 50% và giá dầu mỏ tăng hơn 60%. Hiện nay các nước nghèo đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi buộc phải trả nhiều tiền hơn nhưng nhận được ít lương thực hơn. Năm 2008, giá lương thực leo thang đã làm bùng nổ các cuộc bạo động và biểu tình trên toàn cầu. Trước tình hình trên, một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu. Trong khi một số nước đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói. Tình trạng này đang đe dọa trực tiếp tới việc thực hiện mục tiêu toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói vào năm 2030 theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Trước thực trạng đó, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, vai trò đảm bảo an ninh lương thực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, quy hoạch đất lúa của tỉnh được giữ vững gắn với việc đầu tư và phát huy hiệu quả về thủy lợi góp phần mở rộng diện tích sản xuất, các biện pháp thời vụ được chỉ đạo kịp thời, đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, qua đó giúp cho nông dân có cơ hội, điều kiện để thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát triển theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của nhân dân. Xác định vấn đề an ninh lương thực quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn mới, tỉnh đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030, toàn tỉnh đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số của tỉnh, nâng cao chất lượng, dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày của người dân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dưới 9%... Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đồng thời thông qua quy hoạch chung của tỉnh thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, sản phẩm nông nghiệp với quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất lương thực tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo giữ ổn định diện tích lúa là 45.000 ha đến năm 2030, làm cơ sở để phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực địa phương.

thu-hoach-lua-o-tanh-linh-anh-nl-.jpg
Thu hoạch lúa ở Tánh Linh. Ảnh NL

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục rà soát, triển khai kịp thời, đúng quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Nghiên cứu vận dụng cơ chế, chính sách thu hút mạnh các nguồn nhân lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất lương thực, thực phẩm tập trung, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi bức xúc, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm. Triển khai quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ lương thực, thực phẩm…

THANH QUANG