Cây giống keo lá tràm hút hàng mùa mưa

Kinh tế - Ngày đăng : 15:37, 24/06/2022

Ngay khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện thì nhu cầu xuống giống các loại cây trồng lại tăng cao. Hiện các vườn ươm đang tất bật chăm sóc, lựa chọn các loại cây giống tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu trồng mới của bà con nông dân. Trong đó cây keo lá tràm đang là cây trồng được nhiều người dân lựa chọn để phát triển kinh tế hộ gia đình.
img_1656034659595_1656059026385.jpg
Cây giống keo lá tràm đang hút hàng.

Tại vườn ươm Quang Nam của gia đình anh Nguyễn Quốc Quang, thôn 2, xã Sơn Mỹ (Hàm Tân), lượng cây giống keo lá tràm nhập về là rất lớn. Lợi thế của vườn ươm là gia đình anh Quang chủ động trong việc giâm hom nên có thể lựa chọn giống cây khỏe, không sâu bệnh để cung cấp cho khách. Giống hom được nhập ở Viện Nông nghiệp cây mẹ Long Thành - Đồng Nai nên đảm bảo đúng giống, không lai tạp. Trên diện tích 2 sào của gia đình, có hơn 100 vạn cây giống keo lá tràm đang được anh Quang chăm sóc, đợi đủ ngày để giao cho khách. Giống keo lá tràm chủ lực của vườn ươm Quang Nam là loại AH1, PV. Mức giá dao động từ 800.000 - 850.000 đồng/thiên. Nguồn hàng anh cung cấp chủ yếu cho người dân ở địa phương và cung cấp cho các tỉnh miền Trung.

Anh Trương Anh Chính - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Mỹ cho biết: Nhiều năm qua giống cây keo lá tràm thu hút nhiều bà con nông dân mua về trồng bởi đây là loại cây vừa phủ xanh vừa có nguồn thu nhập ổn định, lại phù hợp với thời tiết khô hạn của Hàm Tân. Do đó, ngay khi thời tiết vào mưa, đất đồi núi tơi xốp hơn, công việc trồng keo cũng dễ dàng, không mất nhiều công chăm sóc, tỷ lệ sống cao hơn nên cây giống keo tràm cũng hút hàng hơn. Riêng trên địa bàn xã Sơn Mỹ với hơn 2.700 hecta đất được bà con nông dân trồng keo lá tràm. Trong đó có khảng 2.500 hecta trồng giống keo PV lấy giấy, 200 hecta trồng giống keo AH1 lấy gỗ. Bình quân từ 5 - 7 năm, người nông dân có thể 60 - 80 triệu đồng/hecta trồng keo, mang về nguồn thu nhập khá ổn định đối với vùng đất vốn dựa hoàn toàn vào nước trời như Sơn Mỹ.

Keo lá tràm đang là loại cây trồng chủ lực trên những vùng đất kém hiệu quả, bạc màu của xã Sơn Mỹ. Những mầm xanh ấy không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mà còn mang lại sự bình yên, no ấm và hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Thảo Phong