Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha: Sẽ phủ xanh “sa mạc”cát?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 20/03/2018

Bài 2: Làm gì để thu hút đầu tư?

BT- Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, chỉ khi có nguồn nước dồi dào mới thu hút đầu tư. Ngược lại đối với đơn vị cung cấp nước, do nhu cầu sử dụng thực tế của các doanh nghiệp còn ít, buộc đơn vị cấp nước phải “bù lỗ”, cũng là vấn đề cần được tháo gỡ.

                
      
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh    Cảnh tham quan tại vườn dưa lưới công nghệ cao.

 Giải bài toán cung - cầu nước tưới

Chúng tôi trở lại vùng đất Hòa Thắng - nơi dự kiến xây dựng khu  nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) vào giữa tháng 3/2018. Đang vào mùa nắng, nên khung cảnh ở đây càng trở nên khô khốc. Nhìn từ xa là bạt ngàn đất cát màu vàng nhạt, xen lẫn những cây dại sống lay lắt giữa sự khắc nghiệt của thời tiết. Toàn hệ thống kênh của khu cấp nước Lê Hồng Phong cũng khô cạn, do chưa vào thời gian bơm nước. Chỉ khi đến địa điểm Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á - doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu NNƯDCNC 2.000 ha, chúng tôi mới cảm nhận được sự mát mẻ và màu xanh trên “sa mạc”. Ông Phạm Văn Minh- Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: Để duy trì nước tưới cho hàng chục ha thanh long, dưa lưới, ổi và cây đinh lăng đang trồng, chúng tôi phải đào 3 giếng khoan, mỗi giếng 300 triệu đồng. Ngoài ra, công ty vừa đào thêm 2 ao để tích trữ nước tưới. Tuy vậy, tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra, với thực trạng 5 ha cây đinh lăng đã bị chết gần một nửa. Theo ông Minh, thời điểm này doanh nghiệp đã quy tụ thêm được 2 nhà đầu tư khác đến đây và đang trong quá trình xây dựng, đào ao…Và tất nhiên, sự sống còn của các doanh nghiệp vẫn là vấn đề nước tưới.

Trở lại với công trình cấp nước khu Lê Hồng Phong, công trình này đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào vận hành vào tháng 7/2016. Theo ông Nguyễn Hữu Tuân - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHHMTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận - đơn vị chủ tư: Đây là công trình đảm bảo tưới cho diện tích hưởng lợi dọc kênh chính Tây và kênh chính Đông theo nhiệm vụ của tuyến kênh. Còn vấn đề cấp nước đến địa điểm sản xuất thì phụ thuộc theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã cũng như các khu quy hoạch trên địa bàn. Trong đó,  tùy theo nhu cầu của từng địa bàn, dự án mới làm thêm hệ thống kênh nhánh để phục vụ phát triển nông nghiệp tại vùng đó. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nước thì lúc này công trình sẽ tiếp tục đầu tư theo 2 hình thức: nhà nước đầu tư cấp nước để phục vụ cho doanh nghiệp. Hoặc doanh nghiệp tự đầu tư hệ thống dẫn nước, cung cấp nước cho riêng mình (bằng nguồn vốn tư nhân).

Vấn đề đặt ra, hiện số lượng doanh nghiệp có nhu cầu dùng nước còn quá ít, trong khi việc vận hành máy để bơm nước lên kênh phục vụ nhu cầu của người dân địa phương tốn rất nhiều chi phí. Chia sẻ khó khăn này, anh Dương Ngọc Ánh - Trưởng trạm bơm Khu Lê Hồng Phong cho biết: “Quá trình quản lý, vận hành, đơn vị gặp nhiều khó khăn về quản lý nguồn nước bị thất thoát. Bởi hiện tại, đơn vị đang “bù lỗ”, với mỗi giờ vận hành tiêu tốn 8 triệu đồng tiền điện (giá 1.300 đồng/m3 (1 cấp) và nhân 1,2 lần nếu bơm 2 cấp.

 Bắt tay giữa 2 bên

Với sự quan tâm đặc biệt đối với NNƯDCNC, vừa qua nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh, đã có chuyến thăm tại Công trình cấp nước Khu Lê Hồng Phong, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đông Á. Tại cuộc gặp mặt này, Phó Bí thư đã khen ngợi những thành quả bước đầu mà doanh nghiệp đạt được trong thời gian qua, nhất là việc đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu cây trồng. Song song, về phía tỉnh sẽ chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh… Về phía lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Tuấn- Tổng giám đốc công ty đã bắt tay với doanh nghiệp, hứa sẽ bàn bạc, thống nhất phương án cấp nước tốt nhất. Ông Phạm Văn Minh - đại diện doanh nghiệp đã rất vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời cho biết: Doanh nghiệp đã đầu tư đào các ao chứa nước, sẵn sàng mua nước thủy lợi với giá cả hợp lý. Đây cũng là tiền đề và điều kiện cần để cac doanh nghiệp khác đầu tư vào khu NNƯDCNC 2.000 ha trong tương lai gần. 

Có thể nói, để phát triển NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống, Bình Thuận cần xây dựng các mô hình điểm sinh động, đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Nhất là cần phải giải được bài toán liên kết, hợp tác, có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp... Như vậy, chủ trương sản xuất NNƯDCNC ở Bình Thuận mới có thể đạt kết quả tốt, theo hướng phát triển bền vững. Tin tưởng trong tương lai không xa, vùng “sa mạc” cát nhiều nắng gió Hòa Thắng sẽ được phủ xanh- một màu xanh hy vọng…

Kiều Hằng