10 năm phòng, chống tham nhũng: Quyết liệt, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng

Chính trị - Ngày đăng : 05:42, 04/07/2022

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 2/2012) đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Sau 10 năm, công tác phòng, chống tham nhũng đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, đột phá đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
hinh-tham-nhung-2.jpg

Những con số biết nói

Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu rõ, trong 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng. Công tác này nổi bật qua 5 nhóm kết quả lớn. Đó là, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng. Công tác cán bộ, cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đạt kết quả tốt. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn. Chú trọng việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng; tích cực hợp tác quốc tế và từng bước mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng.

Đối với tỉnh Bình Thuận, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các thông báo, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng bộ tỉnh, kết quả có sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt. Từ đầu tháng 1/2013 đến tháng 6/2022, toàn tỉnh phát hiện, xử lý 77 vụ/138 người có hành vi tham nhũng. Đến nay, đã xử lý xong 74 vụ/135 người; tạm đình chỉ điều tra vụ án 1 vụ; đang tiếp tục xử lý 2 vụ/3 người; tổng thiệt hại hơn 25,3 tỷ đồng và 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã thu hồi 20,03 tỷ đồng và 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 79%.

Có thể nói, 10 năm qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá với quyết tâm chính trị rất cao, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Những kết quả này càng khẳng định những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Phòng, chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn

Tại hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. Theo Tổng Bí thư, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đó là, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Và cuối cùng là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.

Tổng Bí thư tin tưởng rằng, từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân.

“Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng, chống tham nhũng là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Ngọc Diệp