Thắng Hải: Hiệu quả từ nhãn rải vụ

Kinh tế - Ngày đăng : 04:37, 05/07/2022

Nhãn xuồng ở xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân năm nay không thu hoạch rộ như những năm trước. Thay vào đó, bà con nông dân đã sản xuất rải vụ, chia làm nhiều đợt. Với cách làm này, bà con bán được giá cao, tránh được tình trạng “đụng hàng – dội chợ”, bị thương lái ép giá trong bối cảnh trái cây mùa hè đang vào vụ thu hoạch rộ.

Tháng 7 - 10 là mùa nhãn xuồng cơm vàng ở xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân. Còn nhớ vào thời điểm này năm ngoái, nông dân trồng nhãn xuồng nơi đây phải “khóc ròng”. Bởi, nhãn chín đồng loạt lại bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển rất khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Sau khi chính quyền địa phương có thư ngỏ, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp… trong tỉnh, bà con trồng nhãn mới phần nào vớt vát được một ít chi phí đầu tư.

nhan-2.jpg
Người nông dân thu hoạch nhãn xuồng

Năm nay, vào vụ mùa thu hoạch chính vụ, cứ ngỡ làng trên ngõ dưới ở Thắng Hải cũng sẽ tấp nập thương lái ra vào thu mua, nhà nhà sẽ tranh thủ kêu gọi nhân công bẻ nhãn để bán cho thương lái. Thế nhưng, rút kinh nghiệm từ đợt dịch Covid-19 của năm trước, các hộ trồng nhãn xuồng nơi đây đã canh tác rải vụ từ 2 đợt trở lên. Cách làm này đã mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.

Trên diện tích 1 ha nhãn xuồng, ông Nguyễn Thanh Sử (thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân) canh tác làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng. Đợt thu hoạch đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 6, sản lượng không đồng đều do mưa sớm làm ảnh hưởng đến việc đậu bông, kết trái nhưng bù lại giá nhãn xuồng thời điểm này khá cao, dao động từ 40.000 – 55.000 đồng/kg. “Năng suất của đợt đầu chỉ đạt từ 75 - 85% so với chính vụ nhưng rất dễ bán. Sản lượng không nhiều nên đầu ra dễ dàng hơn, thương lái không thể ép giá được, thu nhập cũng vì thế mà cao hơn. Sau khi trừ chi phí tôi có lời khoảng 100 triệu đồng”, ông Sử phấn khởi cho biết.

nhan.jpg
Người nông dân thu hoạch nhãn xuồng.

Cầm trên tay chùm nhãn trái to, mọng và ngọt, ông Sử cho biết thêm, nếu nắm chắc kỹ thuật, việc rải vụ cũng không quá khó khăn. Điều quan trọng là nhãn xuồng làm rải vụ sẽ không bị cạnh tranh nhiều. “Thời điểm này, tôi đang thu hoạch vụ thứ 2, năng suất có cao hơn so với đợt đầu, tôi bán với giá 35.000 đồng/kg, như vậy cũng là ổn định lắm rồi. Hiện tại, còn 3 sào nhãn xuồng đang đậu trái”, ông Sử chia sẻ.

Có kinh nghiệm làm nhãn xuồng nhiều năm nay, ông Trần Quốc Sự (thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân) cũng áp dụng biện pháp rải vụ trong mùa nhãn xuồng năm nay. Ông Sự cho biết, để tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”, ông cũng như nhiều hộ dân trồng nhãn áp dụng khoa học kỹ thuật thay đổi lịch để làm rải vụ. Tuy nhiên, giá phân bón năm nay liên tục tăng cao, nên ông phải cân nhắc, tính toán kỹ chi phí đầu tư ở mỗi đợt rải vụ. Năng suất có thấp hơn nhưng đầu ra ổn định. Thương lái từ các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai… liên tục gọi về để đặt hàng nhưng phải đợi nhãn chín”, ông Sự cho biết thêm.

nhan-4.jpg
nhan-5.jpg
Nhãn xuồng Thắng Hải được người tiêu dùng lựa chọn.

Theo thống kê, xã Thắng Hải hiện có 270 ha nhãn xuồng, trong đó, 80% diện tích đang trong thời kỳ cho trái. Nhãn xuồng tại xã Thắng Hải đã vào vụ thu hoạch hơn 1 tháng nay, do canh tác rải vụ, nên có giá bán tốt, nông dân thu được lợi nhuận khá. Ông Phan Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Hải cho biết, năm nay, nhãn chín không ồ ạt như những năm trước. Các hộ dân trồng nhãn đã phân bổ rải vụ rất đều. Do vậy, mỗi ngày hái được bao nhiêu đều tiêu thụ hết.

nhan-1.jpg
Sự quan tâm của chính quyền địa phương sẽ giúp người nông dân trồng nhãn tạo dựng được thương hiệu vững chắc hơn trong thời gian đến

Cũng theo ông Sơn, nhãn xuồng Thắng Hải đã được Hội đồng OCOP tỉnh chứng nhận đạt 3 sao, sản phẩm có chất lượng, thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản phẩm ngày càng phát triển, giữ vững được đầu ra thì cần nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm. Chính vì vậy, trong thời gian đến địa phương sẽ thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại dịch vụ tại địa phương và lấy nhãn xuồng là sản phẩm thương hiệu. Bởi đây là tính pháp lý, là tiền đề cho những hợp đồng lớn đối với những sản phẩm tại địa phương, đặc biệt là nhãn xuồng.

Có thể nói, cách làm rải vụ của bà con trồng nhãn xuồng ở xã Thắng Hải là giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Được giá, là tín hiệu lạc quan đáng mừng để nhà vườn mạnh dạn tái đầu tư sản xuất, vực dậy kinh tế sau thời gian khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, các ngành chức năng và các địa phương cần phải có định hướng sản xuất, dựa trên cơ sở thị trường. Đồng thời, tiếp tục tập trung hướng dẫn, tập huấn nông dân cách rải vụ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để cung ứng cho thị trường tiêu thụ.

Bảo Ngọc