Phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 05:27, 05/07/2022

Tỉnh Bình Thuận có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, bởi toàn tỉnh có hơn 192 km bờ biển trải dài ở nhiều địa phương. Bình Thuận còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, doanh thu từ hoạt động du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước là những yếu tố khiến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí thể thao biển luôn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
dsc_4710.jpg
Đường ven biển Tiến Thành - Kê Gà. Ảnh: Đ.Hòa

Phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao

Theo Báo cáo thuyết minh quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, sẽ không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi nhân dân, hướng tới phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Đồng thời huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải. Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng có hàng loạt dự án quy mô lớn đã được xác định thuộc danh mục ưu tiên đầu tư tại Bình Thuận trong thời gian tới. Trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị như: Dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics. Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng sạch được tổ chức thành các cụm (cluster) liên ngành. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến. Song song với đó còn có loạt dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc công trình cấp tỉnh như, dự án trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải, cầu Văn Thánh - TP. Phan Thiết, nâng cấp và mở rộng đường Bà Tá – Trà Tân, làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đường trục ven biển đoạn Phan Rí Cửa – Bình Thạnh, đường trục ven biển Tân Thắng – Thắng Hải, đường vành đai Hàm Thắng - Cảng hàng không Phan Thiết… Ngoài ra, những dự án lớn sẽ được ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030 bao gồm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, báo cáo thuyết minh quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (báo cáo cuối kỳ) cũng đã cho biết hàng loạt dự án thuộc danh mục ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư ven biển

Xác định phát triển khu kinh tế ven biển là những lợi thế của tỉnh bởi những tiềm năng của dải ven biển trên địa bàn toàn tỉnh, vì vậy, tỉnh rất chú trọng vận dụng mô hình khu kinh tế ven biển để khai thác lợi thế của địa phương. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành có liên quan đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho 8 nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát bổ sung quy hoạch làm cơ sở để thu hút đầu tư khu vực ven biển của tỉnh đó là: Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, có quy mô công suất dự kiến đầu tư là 3.400 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11,9 tỷ USD. Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, quy mô công suất dự kiến đầu tư là 3.500 MW. Dự án điện gió ngoài khơi Bình Thuận, quy mô công suất dự kiến đầu tư là 5.000 MW. Tiếp đó là dự án điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam, quy mô công suất dự kiến đầu tư là 900 MW, dự án điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch 2.000 MW, dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong quy mô công suất dự kiến đầu tư là 1.000 MW, dự án điện gió ngoài khơi AMI AC tỉnh Bình Thuận quy mô công suất dự kiến đầu tư là 1.800 MW và dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong quy mô công suất dự kiến đầu tư là 4.600 MW. Ngoài ra, với lợi thế là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời. Với các lợi thế đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 76-KL/TW ngày 28/11/2013, xác định Bình Thuận là Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của tỉnh cũng đã đề ra nhiệm vụ khai thác tiềm năng năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực đôn đốc triển khai các dự án năng lượng để Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia. Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo và để triển khai thực hiện tốt kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, tỉnh đã triển khai lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên của tỉnh, phát triển ngành công nghiệp địa phương và góp phần cùng cả nước vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…

THANH QUANG