Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng, trẻ mầm non con công nhân được hỗ trợ hàng tháng
Xã hội - Ngày đăng : 16:06, 06/07/2022
Quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các thôn, khu phố là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần được chú trọng đầu tư mạnh mẽ. Do đó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện tại chỗ, chữa cháy kịp thời và có hiệu quả, hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trên địa bàn tỉnh.
Việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh để thay thế Nghị quyết số 73/2019/NQ-HĐND ngày 25/7/2022 của HĐND tỉnh là cần thiết, bảo đảm căn cứ pháp lý và phù hợp với thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh.
Về mức hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó của Đội dân phòng: Các mức hỗ trợ theo Nghị quyết bảo đảm nguyên tắc không thấp hơn 15% lương tối thiểu vùng. Cụ thể:
Hỗ trợ cho Đội trưởng Đội dân phòng bằng 20% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng (Vùng II: thành phố Phan Thiết 832.000 đồng/người/tháng; Vùng III: Thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam 728.000 đồng/người/tháng; Vùng IV: 6 huyện còn lại 650.000 đồng/người/tháng).
Hỗ trợ cho Đội phó Đội dân phòng bằng 15% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng (Vùng II: thành phố Phan Thiết 624.000 đồng/người/tháng; Vùng III: Thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam 546.000 đồng/người/tháng; Vùng IV: 6 huyện còn lại 487.500 đồng/người/tháng.
Về danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị cho một Đội dân phòng: Có 9/9 phương tiện được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2020/TT-BCA của Bộ Công an; không trang bị thêm các loại phương tiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 150/2020/TT-BCA.
Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 25/39 (chiếm tỷ lệ 60%) trường mầm non dân lập, tư thục được cấp phép thành lập và hoạt động ở địa bàn có khu công nghiệp; trong đó, có 631 trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và 54 giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Hoạt động của hệ thống các trường mầm non dân lập, tư thục tại địa bàn có khu công nghiệp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mầm non nói riêng, chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, mức sống và thu nhập hiện nay của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, đối với phụ huynh có con em đang ở lứa tuổi mầm non thì lại càng khó khăn hơn.
Việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định ban hành Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là cần thiết và đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Mức hỗ trợ cho trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp là 160.000 đồng/trẻ/tháng.
Mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 800.000 đồng/giáo viên/tháng.
Các mức hỗ trợ nêu trên bằng mức tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và bằng mức hỗ trợ của một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng như: Ninh Thuận, Cần Thơ, Bến Tre,...
Về kinh phí thực hiện: Từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã được UBND tỉnh giao trong dự toán ngân sách hàng năm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố. Theo báo cáo của UBND tỉnh, dự kiến hàng năm ngân sách địa phương chi khoảng 923.000.000 đồng để thực hiện chính sách, gồm: Hỗ trợ đối với trẻ em mầm non: 908.600.000 đồng; hỗ trợ đối với giáo viên: 14.400.000 đồng.