Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XI: “Nóng” giá cả vật tư và nạn phân bón giả
Xã hội - Ngày đăng : 05:35, 08/07/2022
Trong đó, 2 nội dung chất vấn liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, là vật tư nông nghiệp tăng cao và chính sách hỗ trợ tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu và cử tri.
“Vấn nạn” phân bón giả, giá tăng cao
Mở đầu phiên chất vấn trực tiếp, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời nội dung: Hiện nay giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BTTV)… đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Thực trạng này rất dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, ghim hàng; sản xuất, lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng, làm cho nông dân gặp nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng cho biết những giải pháp thời gian tới?
Trả lời về nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian gần đây, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV trên thị trường tăng cao, nhất là các loại phân bón vô cơ. Nguyên nhân do nguyên liệu sản xuất chủ yếu là nhập khẩu. Thêm nữa, các đợt dịch Covid-19, giá xăng dầu đã tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa, tăng chi phí vận chuyển và nhân công, từ đó góp phần làm tăng giá phân bón, thuốc BVTV…
Chất vấn thêm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Tuy ngành nông nghiệp thời gian qua đã tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra về vấn đề phân giả, kém chất lượng, nhưng số tiền xử phạt các cơ sở vi phạm còn rất thấp, số vụ vi phạm giữa 2 ngành có độ chênh. Đại biểu Hoàng đặt câu hỏi, hiện toàn tỉnh có bao nhiêu cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất phân bón chưa thể hiện rõ trong báo cáo và việc niêm yết giá các loại phân bón chưa rõ ràng? Trả lời bổ sung tại phiên chất vấn, ông Phan Hoàng Anh Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra 322 cơ sở, còn Cục Quản lý thị trường kiểm tra độc lập 34 cơ sở để tránh trùng lắp, chứ không có độ chênh.
Đại biểu Thanh Thị Kỷ - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn thêm: Qua hoạt động giám sát cho thấy, trong năm 2021 – 2022, công tác kiểm tra chuyên môn về lĩnh vực này còn ít, dẫn đến các đơn vị kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh, xăng dầu tăng cao… đã đẩy giá thuốc BVTV, phân bón. Do đó, đại biểu Kỷ mong muốn cơ quan chức năng tăng cường giám sát về giá cả, nhất là những cuộc kiểm tra đột xuất trong năm.
Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh – Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng nêu quan điểm: Câu chuyện giá cả phân bón tăng cao đã là “vấn nạn” và không mới, nhưng ngành chức năng chưa có giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng phân bón phần lớn quyết định giá trị sản phẩm nông nghiệp, vì vậy, ngành chức năng cần quan tâm hơn đến vấn đề này, để giúp nông dân an tâm sản xuất.
Trả lời thêm các ý kiến chất vấn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và Cục Quản lý thị trường cho rằng, cần khuyến khích nông dân tham gia HTX, liên kết chuỗi, sản xuất hữu cơ thì đầu ra mới ổn định. Qua đó, từng bước ngăn chặn việc sử dụng phân kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường. Lãnh đạo 2 đơn vị cũng thừa nhận lực lượng mỏng, nhưng khối lượng công việc lớn và tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực này; cố gắng khắc phục, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian đến.
Kết luận nội dung trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp, tăng cường tốt hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Đặc biệt tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất nhằm tránh tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối phó. Kiên quyết xử lý, không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc BVTV cho các cơ sở không đạt yêu cầu. Tuyên truyền, tập huấn cho nông dân hiểu rõ tác dụng của từng loại phân bón để sử dụng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, giảm chi phí đầu tư.
Tại sao các doanh nghiệp chưa tiếp cận Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND?
Tiếp tục phiên chất vấn, các đại biểu cũng quan tâm đến Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 ban hành định mức hỗ trợ với từng hạng mục, công trình và danh mục nhóm dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025. Qua đó, các đại biểu muốn biết kết quả thực hiện Nghị quyết số 11? Trách nhiệm của những hạn chế thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Đặc biệt, 5 dự án ở Đức Linh đến nay vẫn chưa được hỗ trợ?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Ngọc Tiến cho biết, theo danh mục 21 nhóm dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; trên địa bàn huyện Đức Linh có 5 nhóm dự án. Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ, quy định rõ hồ sơ, trình tự thủ tục đề nghị hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp phải gửi 3 bộ hồ sơ về Sở Kế hoạch - Đầu tư. Sau đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư có văn bản thẩm tra và báo cáo UBND tỉnh. Trong vòng 5 ngày tiếp theo, UBND tỉnh có văn bản cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối, UBND tỉnh sẽ có văn bản gửi doanh nghiệp nêu rõ lý do. Trường hợp sử dụng ngân sách Trung ương thì thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công. Như vậy, để được hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho 5 dự án trên và các dự án khác, các doanh nghiệp phải lập hồ sơ gửi về Sở Kế hoạch - Đầu tư để xem xét, giải quyết theo đúng quy định nêu trên. Hiện nay, qua rà soát, sở chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp. Về khả năng cân đối ngân sách tỉnh, theo Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã bố trí 100 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách nông nghiệp theo Nghị định 57 của Chính phủ.
Chất vấn nội dung này, đại biểu Lê Văn Toàn – đơn vị Đức Linh cơ bản đồng tình trả lời của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp làm các thủ tục hồ sơ như Nghị định của Chính phủ, dẫn đến sự chậm trễ. Ngoài ra, đại biểu lo lắng việc bố trí vốn 100 tỷ đồng, liệu có giải ngân hết trong giai đoạn này không. Do đó, đại biểu mong muốn Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này kịp thời và hiệu quả hơn.
Kết luận nội dung chất vấn này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có dự án nằm trong 21 nhóm dự án được giải quyết nhanh các hồ sơ, thủ tục. Phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn hàng năm được bố trí để thực hiện Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung phù hợp và đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết. Trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan tâm rà soát quỹ đất, lập quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…