Tản mạn mùi dừa xiêm

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:56, 08/07/2022

Kỳ thực đó là loại mùi ký ức, mùi nhớ nhung, kiểu lãng mạn mộc mạc của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên từ thế kỷ trước.

Về Mũi Né uống một trái dừa giải khát thì có gì là lạ, có gì là lắng đọng đến mức nhớ quặn thương dài?!

Không phải! Nói vậy là cạn nghĩ, là chưa biết gì về con người. Uống trái dừa xiêm là uống quê, uống tình, là uống gió mát của cả rặng dừa đêm trăng thanh và biết đâu, ai đó còn uống cả nỗi thất tình ngọt ngào tận miền xa vắng…

Tôi nhớ có một người quen xa xứ có ước mơ không giống ai, ông ghi hẳn ra sổ tay và chua thêm mấy chữ “phải thực hiện bằng được”, đó là phải một lần trở về quê Mũi Né để… uống… dừa xiêm và leo lên cây dừa trườn ngang mình ngoài bãi biển để chụp một tấm hình. “Phải thực hiện sớm, để già tay chân run rẩy không leo được nữa”. Buồn cười cái ông này! Ông đi khắp thế giới được, khó nhất là lấy bằng này bằng nọ của Mỹ, của Anh mà ông còn làm được, chuyện leo cây dừa có gì ghê gớm mà phải lên kế hoạch, phải hạ quyết tâm.

dua-xiem.jpg
Ảnh minh họa.

Vừa rồi ông có cuộc nói chuyện tại đại học Cambridge nên nhắn tin tôi vào trang riêng của ông để nghe lại. Tôi hỏi “anh thực hiện ước mơ leo dừa chưa?”. “Vẫn chưa…!”. Tôi chợt ân hận đã nông nổi gợi lên điều ray rức trong lòng con người đa cảm ấy.

“À ơi cay đắng dẫu nhiều

Tin sông vẫn bến, tin chiều vẫn say”

(Ru xa - Phạm Hồ Thu)

Kiểu gì thì cũng phải tin chứ! Chắc chắn ai rồi cũng có ngày về, hãy chờ đấy, “chờ lòng người trở về quê hương”! Phan Thiết thương thiết luôn gợi nhớ, luôn khiến người ta thao thức với nhiều khoản “nợ nần quê hương” là vậy. Trường hợp tiến sĩ Phạm Trọng Chánh cũng thế.

Khi ông sang Paris thì những người Phan Thiết thành danh tại Paris vẫn còn, như bác sĩ Hồ Tá Khanh, Bộ trưởng Kinh tế năm 1945, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ và nhiều người con các nhà hàm hộ nước mắm Phan Thiết, ông thường gặp và nghe kể chuyện ngày xưa Phan Thiết… Rồi ông thường kể tiếp câu chuyện xa hương ấy trong nỗi rưng rưng thương nhớ, tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn.

Cũng xin nói thêm tiến sĩ Phạm Trọng Chánh học trung học Phan Bội Châu niên khóa 1963 -1969 và đi du học từ năm 1969 -1970, nhà Phan Thiết, 33 - đại lộ Tôn Đức Thắng, xưa là hiệu nước mắm Kiết Thành. (Ts. Phạm Trọng Chánh học trước nhà thơ Nguyễn Như Mây một năm). Vợ ông, cô Duy Nga, nhà tâm lý và cũng là họa sĩ, là trưởng nữ của họa sĩ Duy Liêm cũng người Phan Thiết. Ngoài việc nghiên cứu, việc sinh sống làm việc, ông bà Phạm Trọng Chánh còn học điêu khắc, hội họa tại Trường Mỹ thuật Paris, nên cả hai vẫn thường viết sách, báo, tạc tượng, vẽ tranh. Ông bà thường xuyên triển lãm tại các phòng tranh Paris, Trung tâm Văn hóa Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Pháp…

Kế hoạch công việc của ông bà luôn dày đặc nhưng vẫn thường xuyên cùng ba cô con gái bay về quê nhà Phan Thiết.

Chẳng phải về để thốt lên: “Ôi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!

Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi” như Hàn Mạc Tử, ông bà về Phan Thiết là để “thỏa nỗi khát nhớ quê nhà” và lần nào cũng không quên uống… một trái dừa xiêm xứ Rạng.

Lạ thiệt! Con người ta quả thật là không còn thiếu thứ gì trên đời, cao lương mỹ vị Đông Tây đủ đầy, trà cúc La Mã, rượu vang Pháp, bia đen Kostritzer Đức, cà phê Lavazza Brazil… toàn những hương vị độc đáo, nhưng sao vẫn thèm đến bần thần người… một trái dừa xiêm xứ Rạng?!

Có gì ngoài sự mát lành, ngọt ngào của loại trái cây quê mùa này?! Bí mật nào tạo nên ẩn nghĩa của trái dừa xiêm xứ Rạng trong tâm hồn người xa xứ?!

Thật sự không phải thứ gì trên đời cũng giải thích rốt ráo được, mà cũng chẳng giải thích để làm gì khi biết rằng nỗi nhớ quê hương luôn vô ngôn và sâu lắng, tâm hồn con người thường mỏng mảnh đến khó diễn đạt bằng lời. Mỗi con người là một thế giới riêng thì tâm trạng nhớ thương, khao khát cũng riêng tư, mỗi người mỗi nỗi. Cũng là trái dừa xiêm xứ Rạng nhưng cách uống, cách thưởng thức, cách mường tượng về nó cũng không ai giống ai.

Tôi vừa đi xong một vòng Mũi Né, ngày nay đã trở thành thủ phủ resort. Hào nhoáng và đông đúc. Thực dụng và đủ đầy. Giàu có và xa lạ. Tự dưng tôi muốn viết vài đoạn tản mạn về những giá trị bé mọn đang phai dần, đang biến mất dần, đang không còn nữa hoặc đã biến dạng, đổi màu. Đâu phải cứ lao vào hiện đại là tâm hồn con người càng lúc càng nhạt đi, không còn chỗ cho những điều nho nhỏ thương thương rất người ấy?! Đâu phải cứ vật chất đủ đầy, thừa mứa là chúng ta không còn cần đến mùi ký ức, mùi nhớ nhung, mùi của những kỷ niệm?!

Là nghĩ vậy thôi, dù sao chúng tôi cũng là những người sinh ra và lớn lên từ thế kỷ trước.

Nguyễn Hiệp