Các hợp tác xã liên kết theo chuỗi còn ít

Kinh tế - Ngày đăng : 05:52, 13/07/2022

Mặc dù, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp cũng như nông dân liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng đến nay, việc liên kết theo chuỗi trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít.

8 chuỗi liên kết trong toàn tỉnh

Thực hiện Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 4/3/2020 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 của HĐND tỉnh, đến nay toàn tỉnh chỉ thực hiện được 1 chuỗi liên kết cấp tỉnh và 7 chuỗi liên kết cấp huyện. Theo đó, chuỗi liên kết cấp tỉnh là liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (lúa). UBND tỉnh đã phê duyệt về hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, chế biến gắn với tiêu thụ lúa, gạo chất lượng cao huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nhật Phát và 5 HTX nông nghiệp). Ngoài ra, có 3 chuỗi liên kết cấp tỉnh Sở Nông nghiệp và PTNT đang rà soát, trình UBND tỉnh, là liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao chuỗi giá trị theo hướng hữu cơ của Công ty TNHH Đại Nông Cơ Giới và 3 HTX nông nghiệp. Liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế gắn với tiêu thụ thanh long của HTX Dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hội và các hộ dân liên kết ở xã Hàm Hiệp. Và liên kết sản xuất thanh long chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX Thuận Tiến và 4 HTX nông nghiệp.

z2918985094272_36b86651bf2a0e44d621de9072b18d5d.jpg
Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, còn có 7 chuỗi liên kết cấp huyện: Đức Linh 3 chuỗi, gồm liên kết của Công ty TNHH Hoàng Gia Tiến; liên kết của HTX sản xuất rau an toàn Tiến Phát; liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa - gạo của HTX nông nghiệp Công Thành. Huyện Tánh Linh 1 chuỗi, là liên kết cung ứng, chế biến gắn với tiêu thụ gạo - nếp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình. Còn huyện Hàm Thuận Nam có 3 chuỗi, là liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30; cơ sở thu mua thanh long Triều Bảo và cơ sở thu mua thanh long Bối Trác.

Về hỗ trợ chính sách, 1 chuỗi liên kết cấp tỉnh được hỗ trợ ước khối lượng công việc thực hiện và giải ngân đến cuối năm 2022 đạt khoảng 1,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thường xuyên Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, kinh phí từ ngân sách hỗ trợ cấp huyện đã giải ngân hơn 4,7 tỷ đồng/7 chuỗi liên kết được thụ hưởng chính sách. Không chỉ vậy, các chuỗi liên kết cấp tỉnh và cấp huyện được hỗ trợ theo Quyết định số 507/QĐ-UBND gồm có 5 doanh nghiệp, 17 HTX, 997 hộ nông dân cũng được thụ hưởng chính sách.

z2996872374016_e4041fb16c007bdea7d8619d3dbd8960.jpg
Thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX Thuận Tiến.

Gặp khó khăn

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai chính sách, vẫn gặp không ít khó khăn. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được sử dụng từ nhiều nguồn vốn. Việc xây dựng chuỗi liên kết phải đúng quy trình kỹ thuật đã được cơ quan chức năng ban hành để tính chi phí và đề xuất kinh phí hỗ trợ theo đúng nguồn vốn. Do đó, các HTX, người nông dân còn lúng túng trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết cũng như đánh giá hiệu quả kinh tế, quy trình khắc phục, phòng ngừa rủi ro theo quy định. Thêm vào đó, nguồn nhân lực tham mưu liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp thực hiện liên kết còn hạn chế. Hội đồng thẩm định mất nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu với chính sách; việc hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vận dụng từ nhiều cơ chế khác nhau và chưa có quy định riêng để hướng dẫn thực hiện, dẫn đến việc triển khai còn chậm.

img_0655.jpg
Kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tập trung đầu tư công nghệ chế biến thanh long

Thời gian đến, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục vận động các doanh nghiệp, HTX xây dựng chuỗi giá trị mới trong những năm tiếp theo. Kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tập trung đầu tư công nghệ chế biến thanh long, nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng, thị trường. Triển khai các giải pháp ổn định tổ chức sản xuất theo liên kết bền vững giữa các đối tượng tham gia chuỗi để tạo ra giá trị gia tăng. Đồng thời đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm sạch, đạt năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ nông sản. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nông dân thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

M. Vân