Tạo việc làm cho người sau cai nghiện: Chuyện không dễ dàng
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 13/07/2022
Hòa nhập thấp
Ma túy thâm nhập sâu vào từng góc phố, ngõ hẻm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Nhiều loại ma túy tổng hợp dễ gây nghiện nhưng rất khó cai, cộng với thủ đoạn buôn bán lẻ tinh vi, dẫn tới tình trạng gia tăng số người nghiện mới. Từ đó, công tác phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của ngành chức năng đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.290 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Thực tế con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều người nghiện chưa có hồ sơ quản lý tại các địa phương.
Đối với người sau cai nghiện ma túy, để không trở lại con đường nghiện cũ, không gì tốt hơn là lao vào làm việc để quên. Chính vì vậy đã có nhiều chương trình, đề án thực hiện theo tinh thần chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp người sau cai nghiện. Điển hình Đề án “Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”, triển khai xuyên suốt trong nhiều năm qua. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, khảo sát nhu cầu dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương. Trên cơ sở, phối hợp tổ chức các lớp tư vấn, hướng nghiệp cho người sau cai nghiện đảm bảo phù hợp. Đồng thời, tổ chức dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm, tạo điều kiện để người sau cai nghiện hoặc gia đình có người sau cai nghiện được vay vốn tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, những nỗ lực ấy dường như vô ích. Đa số người sau cai nghiện đều tái nghiện và không có nguyện vọng học nghề hoặc hỗ trợ đào tạo việc làm, ít tham gia các hoạt động xã hội. Thiếu sự hợp tác giữa gia đình và các tổ chức đoàn thể của địa phương trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu học tập, đào tạo nghề, vay vốn, tìm việc làm cho họ.
“Địa phương luôn quan tâm người cai nghiện ma túy. Vận động họ học nghề, trong lúc đi xin việc làm không ai dám nhận vì bị kỳ thị, nhưng họ không chịu đi, gia đình cũng không thuyết phục nổi. Thực sự rất khó cho địa phương quản lý đối tượng này”, chị Đỗ Thị Thúy Nga – Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa chia sẻ.
Không riêng người sau cai nghiện đang quản lý ở Đức Nghĩa, mà còn nhiều người ở các xã, phường khác. “Khi tiếp cận để giúp họ không tái nghiện, họ thường hay né tránh không muốn gặp. Chúng tôi đã báo cáo với huyện”, bà Lê Thị Hòa, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết. Chính vì thế, số người sau cai nghiện có việc làm rất thấp. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 3 năm qua, toàn tỉnh có 388 đối tượng hoàn thành thời gian cai nghiện về nơi cư trú. UBND cấp xã phân công các ban, ngành, đoàn thể, tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện theo dõi, động viên, giúp đỡ. Từ năm 2018 đến nay, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã kết hợp với Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận dạy nghề cho hơn 300 học viên cai nghiện tại cơ sở.
Cần quan tâm hơn nữa
Để người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng nhiều hơn, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức khảo sát, nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người sau cai nghiện ma túy. Vì trên thực tế, bản thân người sau cai nghiện vốn không đủ bản lĩnh làm chủ bản thân trước những cám dỗ khó cưỡng lại của ma túy, bị bạn bè xấu khích bác, tiếp tục rủ rê, lôi kéo. Cho nên cần sự quan tâm, đặc biệt là cộng đồng xã hội không kỳ thị, xa lánh họ. “Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nên tạo điều kiện cho người sau cai nghiện làm việc. Nếu không dám nhận họ vào làm việc rất khó cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng”, chị Huỳnh Thị Thu Ngân – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.
Tuy vậy, người sau cai nghiện cần phải có nghị lực, rèn luyện, tu dưỡng tránh xa ma túy, nếu không quyết tâm thì không ai có thể giúp chính bản thân mình. “Nhìn cuộc đời phía trước u ám, chỉ là ngõ cụt. Khổ thân xác, gia đình, con cái, tôi quyết tâm đi cai nghiện để từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời”, anh Trương Thế Quỳnh ở phường Lạc Đạo, người từng nghiện ma túy nói.