Cuộc chiến chống ma túy vẫn đầy cam go. Bài 2
Pháp luật - Ngày đăng : 05:30, 14/07/2022
Theo số liệu mới nhất từ Công an tỉnh, đến giữa tháng 6/2022, toàn tỉnh có 3.209 người nghiện có hồ sơ quản lý (giảm 594 người nghiện so cùng kỳ). Tuy nhiên, số người nghiện ngoài cộng đồng hiện có 2.829 người. Một con số rất quan ngại, đáng báo động cho ngành chức năng, cho xã hội khi những đối tượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự cho địa phương.
Vẫn tái diễn nạn “xin đểu”
Với số lượng hàng ngàn người nghiện ở ngoài cộng đồng như hiện nay, đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh trật tự. Rất nhiều vụ trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng xuất phát từ những đối tượng nghiện ma túy. Năm 2021, Báo Bình Thuận đã từng có bài phản ánh tình trạng “con nghiện” đi xin khắp phố ở thị trấn Phan Rí Cửa – huyện Tuy Phong. Đây được xem là “điểm nóng” về ma túy nhiều năm nay, nhưng chưa có giải pháp triệt để.
Trước những hệ lụy mà người nghiện ma túy gây ra, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã tập trung nhiều giải pháp. Trong đó, việc mở rộng cơ sở cai nghiện ma túy hiện tại là một trong những giải pháp cấp thiết để đưa những người đã có quyết định của tòa án đi cai nghiện. Tưởng rằng, năm ngoái các đối tượng đi xin ở huyện Tuy Phong sẽ được đưa vào trung tâm cai nghiện khi cơ sở này mới xây dựng thêm vài dãy phòng mới với sức chứa tăng lên gấp đôi, từ 200 lên 400 người. Nhưng nhóm đối tượng này vừa đi, nhóm khác lại xuất hiện, nên nạn “xin đểu” ở chợ, hàng quán đến nay vẫn thường xuyên diễn ra, gây bất an cho người dân. Theo các tiểu thương ở chợ Phan Rí Cửa, người dân ở đây rất bức xúc nạn “con nghiện” tỏa khắp nơi đi xin, ảnh hưởng đến việc mua bán ở chợ và cũng như mỹ quan đô thị, khi khách du lịch ghé chợ ngày một đông. Đặc biệt, những đối tượng này ngày càng trẻ hóa, đa phần là thanh thiếu niên và công khai sử dụng, tiêm chích ma túy lộ thiên, ảnh hưởng nhiều đến an ninh trật tự địa phương. Không chỉ vậy, tình trạng bị mất cắp lặt vặt xảy ra thường xuyên trong khuôn viên chợ, nên nhiều người không dám để hàng hóa ở chợ như trước đây.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Phong, dù công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được chỉ đạo quyết liệt trên nhiều mặt có sự tham gia của các lực lượng công an, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền về tác hại ma túy cũng rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên tình hình ma túy và tội phạm liên quan đến ma túy vẫn không ngừng diễn biến phức tạp. Trên thực tế, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý chưa phản ánh thực chất tình hình ma túy trên địa bàn, bởi tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, số người nghiện ngoài cộng đồng đang có chiều hướng phức tạp.
Cơ sở cai nghiện có quá tải?
Tại hội nghị đánh giá kinh tế - xã hội 6 tháng mới đây, lãnh đạo Công an tỉnh có nhấn mạnh: “Hiện toàn tỉnh có 197 đối tượng được công an lập hồ sơ và đã có quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhưng cơ sở cai nghiện đã quá tải, nên chưa thể đưa nhóm đối tượng này đi được, gây ra những hệ lụy cho cộng đồng và xã hội”. Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh giải thích thêm: “Theo kế hoạch của UBND tỉnh về tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc năm 2022, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh sẽ tiếp nhận 400 người. Nhưng đến tháng 6/2022, cơ sở này chỉ mới tiếp nhận 285 người, vẫn còn trống chỗ rất nhiều để tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy. Đồng thời đang tiếp tục thi công, mở rộng thêm 200 chỗ ở để nâng công suất tiếp nhận lên 600 học viên (dự kiến tháng 9 tới sẽ hoàn thành). Hiện cơ sở vẫn tiếp nhận bình thường và đang đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đưa các đối tượng nghiện vào cơ sở”. Về việc đầu tư mở rộng, xây dựng thêm cơ sở cai nghiện tập trung, Sở LĐ TB&XH đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hàm Thuận Bắc khảo sát quỹ đất và thống nhất xây dựng cơ sở 2 tại xã Hàm Trí, với diện tích dự kiến 20 ha. Hiện, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch đăng ký nhu cầu sử dụng đất năm 2022 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Về nguyên nhân tiếp nhận đối tượng nghiện hạn chế thời gian qua, bà Tâm cho biết thêm: “Theo kế hoạch của UBND tỉnh về điều kiện tiếp nhận đối tượng nghiện vào cơ sở, có yêu cầu ràng buộc các đối tượng này phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và test Covid - 19. Tuy nhiên, theo ngành công an, cũng như các huyện, thị xã, thành phố, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nên cần xem xét lại 2 điều kiện trên, vì các đối tượng nghiện rất khó vận động tiêm ngừa và tỉnh đang thiếu kít test, nên việc đưa nhóm đối tượng này vào cơ sở bị chậm trễ. Nhưng về phía Sở LĐ TB&XH, vẫn giữ nguyên kế hoạch và không điều chỉnh 2 điều kiện trên. Vì theo báo cáo của ngành y tế, 100% các đối tượng trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, chỉ cần địa phương xác nhận những đối tượng nghiện đã tiêm đủ là được. Ngoài ra, việc test Covid–19 trước khi vào cơ sở là cần thiết, vì các học viên trong cơ sở đa số có bệnh nền, sức khỏe yếu. Và những điều kiện này theo quy định chung của Bộ LĐ TB&XH, do đó không thể bỏ được”.
Có lẽ, khi Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh mở rộng, nới lỏng các điều kiện tiếp nhận, sẽ góp phần giải quyết một lượng lớn đối tượng đã có quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần có các giải pháp căng cơ và dài hơi hơn để quản lý các đối tượng sau cai nghiện. Hạn chế trường hợp sau khi trở về cộng đồng, cơ hội tìm việc làm của các đối tượng này bị thu hẹp, tâm lý mặc cảm khiến cho việc hòa nhập thực sự khó khăn, dẫn đến gia tăng tỷ lệ tái nghiện.
Tính đến 15/6, toàn huyện Tuy Phong có 8/11 xã, thị trấn, 56/65 thôn, khu phố có người nghiện và sử dụng ma túy. Đặc biệt, Phan Rí Cửa là 1 trong 3 địa bàn trọng điểm loại I, 21/21 khu phố đều có người nghiện và tệ nạn ma túy. Toàn thị trấn có 483 người nghiện, trong đó 213 người nghiện có hồ sơ quản lý và 214 đối tượng có tiền án về ma túy đang có mặt tại địa phương. Huyện đã đưa 69 người nghiện vào cơ sở điều trị của tỉnh, trong đó Phan Rí Cửa 41 người.