Chú trọng truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số

Đời sống - Ngày đăng : 05:48, 14/07/2022

Tính đến cuối năm 2021, Bình Thuận có hơn 1,3 triệu dân. Những năm qua, để nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi cho người dân trên địa bàn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), các cấp ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông. Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm về công tác DS-KHHGĐ.

Thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2011-2020, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2021, dân số toàn tỉnh có hơn 1,36 triệu người; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt chỉ tiêu tỉnh giao (chỉ tiêu giảm 0,1%); gần 63.000 người thực hiện KHHGĐ, đạt 100,5%... Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ có những chuyển biến tích cực góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để có được những kết quả trên, Sở Y tế đã triển khai sâu rộng, thường xuyên công tác truyền thông, giáo dục dân số ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Theo đó, nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, thông qua sản phẩm truyền thông được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua các pano, áp phích, tờ rơi…

00-2.jpeg
Huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về dân số và phát triển. Ảnh: Tư liệu

Phát huy những kết quả đạt được, chương trình truyền thông dân số năm 2022, Sở Y tế sẽ tập trung vào các nội dung như: Phấn đấu đạt mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên – thanh niên; dân số với các vấn đề phát triển của đất nước (lao động, việc làm, an sinh xã hội…); tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Đối với các địa phương có mức sinh cao sẽ tiếp tục tuyên truyền các nội dung thông điệp để giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế, truyền thông về lợi ích KHHGĐ, quy mô gia đình nhỏ, không đẻ sớm, đẻ dày…

Về hình thức, sẽ lựa chọn hình thức truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với điều kiện văn hóa, kinh tế - xã hội của từng địa phương; các loại hình truyền thông dân số cũng phải đổi mới và bằng nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp; truyền thông gián tiếp và truyền thông qua Internet, mạng xã hội… Đặc biệt chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp cá nhân thông qua cộng tác viên, tuyên truyền viên.

Cùng với đó, mở lớp giáo dục truyền thông, tập huấn, các lớp nói chuyện chuyên đề, triển khai chính sách và phổ biến kiến thức về dân số, SKSS/KHHGĐ tại cộng đồng. Ngoài ra, mở rộng và duy trì hoạt động các mô hình truyền thông hiện có ở các đoàn thể như: Câu lạc bộ/tổ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên; Câu lạc bộ nông dân với dân số, phát triển và bền vững… Xây dựng và nhân rộng các mô hình “Thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên” và các mô hình khác… Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, chuyển đổi hành vi và ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong việc giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.

K.ANH