Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả cho nông dân

Kinh tế - Ngày đăng : 03:08, 15/07/2022

Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được đánh giá phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nước, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh, vẫn cần đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản và hỗ trợ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch… để nhân dân an tâm sản xuất.

Hiệu quả kép

Thời gian qua, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai đến các địa phương và nhân dân các nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ, ngành liên quan về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Trong đó, có việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa. Kết quả nổi rõ trong năm qua, toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 8.770 ha để trồng các cây ngắn ngày. Bao gồm cây bắp 3.140 ha, rau các loại 1.928 ha, đậu các loại 1.340 ha, đậu phộng 1.014 ha, khoai lang 42 ha, mì 849 ha, dưa hấu 248 ha, cây trồng khác 254 ha. Vụ đông xuân là thời điểm thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhiều nhất với 5.349 ha (chiếm 61%), vụ hè thu 2.894 ha (chiếm 33%) và vụ mùa 526 ha (chiếm 6%). Theo đó, huyện Tánh Linh có diện tích chuyển đổi nhiều nhất với gần 6.500 ha, Đức Linh 1.872 ha, Hàm Thuận Bắc 387 ha và Bắc Bình 62 ha. Riêng các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Tuy Phong không có diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Nguyên nhân là diện tích đất lúa tại các huyện này không nhiều và điều kiện thủy lợi khó khăn do không chủ động nước tưới cho cây trồng cạn khi chuyển đổi. Đặc biệt, huyện Tuy Phong chủ yếu sản xuất lúa 3 vụ, nông dân không có tập quán luân chuyển cây trồng cạn trên đất lúa.

z3522081866484_ab5f98017fb81d0c5caa09be234512b5.jpg
Cây trồng cạn tại Bắc Bình

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa (2 lúa + 1 màu, 1 lúa + 1 màu) đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thuần lúa khoảng từ 10 - 30%. So với cây lúa, các cây trồng khác luân canh trên đất lúa đều cho lợi nhuận cao hơn. Lãi suất bình quân trên 1 ha/vụ lúa 6,8 triệu đồng; bắp 9,2 triệu đồng; rau 17 triệu đồng, đậu phộng 20 triệu đồng; đậu các loại 24 triệu đồng… giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Ngoài ra, việc luân canh cây trồng trên đất lúa giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh, nhất là trên cây lúa, cải tạo đất nhằm tăng dinh dưỡng cho cây trồng, tiết kiệm nguồn nước tưới, nhất là vụ đông xuân thường khan hiếm nguồn nước. Đây còn là cơ hội giúp giải quyết một phần nguồn lao động nông nhàn; thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân, tạo ra nguồn nông sản phong phú ngoài lúa gạo giúp giải quyết nhu cầu thực phẩm cho địa phương.

Cần thêm các chính sách hỗ trợ

Nhìn chung, các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho năng suất, hiệu quả cao so với sản xuất thuần lúa, đồng thời tiết kiệm nước và khắc phục tình trạng thiếu nước trong vụ đông xuân. Vì vậy, để phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, trong vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 3.800 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, nắng hạn, dịch bệnh, gây nhiều tổn thất cho sản xuất. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, gây đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất và làm giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Theo UBND tỉnh, việc cải tạo nâng cao chất lượng đất lúa trong toàn tỉnh theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ- CP của Chính phủ hiện nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Nhà nước. Cụ thể là việc cải tạo đồng ruộng bằng cách bồi đắp hay hạ mặt bằng để tưới chủ động liên quan đến lĩnh vực khoáng sản vì liên quan đến việc bồi đắp, gạt bỏ, vận chuyển đất hữu cơ, đất dư thừa trong quá trình cải tạo đồng ruộng (Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ). Do đó, việc cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa nước để sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại tỉnh rất khó khăn, không thực hiện được do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định…

Chính vì vậy, để thực hiện tốt chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, vừa qua UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc do chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định. Song song, đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản để nhân dân an tâm sản xuất; đẩy mạnh công tác hỗ trợ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Đồng thời, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.

Kiều Hằng