Hồ Tá Bang với cuộc vận động duy tân tại Bình Thuận đầu thế kỷ XX. Bài 1

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:24, 15/07/2022

Bài 1: Mở Trường Dục Thanh, hô hào học chữ Quốc ngữ

Kể từ sau chuyến ghé thăm Phan Thiết của cụ Phan Châu Trinh năm 1905, phong trào duy tân ở Bình Thuận phát triển nhanh chóng, có cơ sở khá mạnh so với các tỉnh Nam Ngãi. Để có được thành tựu quan trọng trên là sự dốc sức dốc lòng của một số nhà yêu nước có tinh thần cải cách, trong đó Hồ Tá Bang là một trong những nhân vật cột trụ.

duc-thanh.jpg

Vài nét về tiểu sử ông Hồ Tá Bang

Ông Hồ Tá Bang sinh năm Ất Hợi (1875) tại làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; là con út của cụ ông Hồ Tá Hiệu và cụ bà Nguyễn Thị Đoàn.

Thời niên thiếu Hồ Tá Bang theo học chữ Nho, nhưng vì không ưa văn chương khoa cử nên quyết không đi thi mà để tâm trau dồi chữ Quốc ngữ, Pháp văn và tìm đọc các loại sách báo chuyển tải những nội dung mới mẻ, cốt tìm tòi lối thực học. Năm 1899, Hồ Tá Bang được tuyển dụng vào làm Ký lục ở Tòa Công sứ tỉnh Bình Thuận. Tại Phan Thiết, ông kết hôn với bà Huỳnh Thị Lâu (sinh năm Kỷ Mão 1879) con gái ông Huỳnh Văn Quế - một nhà hào phú có tiếng ở thị xã này. Bình Thuận trở thành quê hương thứ hai, nơi ông dành trọn sự nghiệp của mình cho đến cuối đời.

Do sớm tiếp thu tư tưởng canh tân từ cụ Nguyễn Lộ Trạch (1853 -1898) người cùng làng Kế Môn; lớn lên lại được làm việc tại Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều nhân sĩ tiến bộ khắp 3 miền nên ý chí cải cách của Hồ Tá Bang ngày càng lớn dần, định hình sáng rõ hơn. Và, kể từ cuộc gặp với Phan Châu Trinh tại Phan Thiết năm 1905, Hồ Tá Bang chính thức dấn thân vào con đường duy tân. Một điểm trùng hợp là, trước khi Hồ Tá Bang đến tập sự tại Tòa sứ Bình Thuận thì cụ Nguyễn Lộ Trạch đã vào Phan Thiết để bàn về đường hướng canh tân đất nước với các sĩ phu Bình Thuận rồi(1). Do vậy có thể nói, những dự án duy tân mà Hồ Tá Bang thực hiện tại Bình Thuận trong những năm đầu thế kỷ XX cũng chính là hiện thực hóa những ý tưởng của bậc tiền bối mà ông rất kính trọng và ngưỡng mộ từ thời còn đi học ở làng Kế Môn.

Góp công truyền bá tư tưởng dân chủ

Cuối năm 1904, cụ Phan Châu Trinh sau khi từ quan đã cùng các ông Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng có chuyến đi vào Nam để xem tình hình và chiêu mộ người cùng chí hướng cho cuộc vận động duy tân. Được sự hỗ trợ của ông Nguyễn Quý Anh (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông), tháng 5/1905, ba chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đến Phan Thiết. Sau khi sắp xếp nơi ăn chốn ở, thông qua Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội (cũng là con của cụ Nguyễn Thông), Phan Châu Trinh đã tập hợp một số sĩ phu ở Bình Thuận để vạch đường hướng cứu nước. Theo các ông, đòi hỏi khẩn thiết của đất nước lúc bấy giờ chính là con đường duy tân, cải cách.

di-san.jpg

Với mục đích đó, tháng 5/1905, tại Đình làng Phú Tài, Liên Thành thư xã chính thức ra mắt công chúng. Ngày khai mạc, có Công sứ Claude Léon Lucien Garnier, Phó Công sứ và 3 quan đầu tỉnh của chính quyền Nam triều đến dự. Diễn giả khai mạc chính là Phan Châu Trinh.

Vào mỗi buổi tối thứ năm hàng tuần, thư xã thường tổ chức các buổi diễn thuyết giới thiệu tư tưởng dân quyền của cách mạng Pháp, phong trào duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc… nhằm truyền bá tư tưởng dân chủ, ý chí tự cường; kêu gọi bài trừ hủ tục, tiến tới xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ. Với vai trò là viên chức phụ trách việc biên chép giấy tờ tại Tòa công sứ, Hồ Tá Bang đã tranh thủ được cảm tình của ông Garnier - Công sứ Pháp tại Bình Thuận. Nhờ đó, những hoạt động của Liên Thành thư xã từ tháng 5/1905 đến tháng 9/1909 về cơ bản thuận lợi. Hơn 4 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng những tư tưởng mới mẻ do nhóm trí thức Liên Thành thư xã tổ chức đã làm lây động được lòng người nghe, bước đầu thay đổi suy nghĩ của một bộ phận người dân Phan Thiết; thậm chí góp phần làm cho bánh xe lịch sử địa phương chuyển nhanh, chuyển mạnh hơn kể từ năm 1905.

Mở Trường Dục Thanh, hô hào học chữ Quốc ngữ

Mở trường học theo lối mới, hô hào học chữ Quốc ngữ cũng là một nội dung sôi nổi mà các chí sĩ duy tân Bình Thuận hướng tới. Vì vậy, năm 1907, Dục Thanh học đường chính thức được thành lập trên khu đất từ đường của gia đình ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh. Kinh phí hoạt động của trường do Liên Thành thương quán và hoa lợi từ 10 mẫu đất mà ông Huỳnh Văn Đẩu (anh vợ ông Hồ Tá Bang) hiến cho.

Theo lời kể hồi năm 2012 của bà Hồ Thị Tường Vân (sinh năm 1930, là con gái ông Hồ Tá Bang): khi Trường Dục Thanh thành lập, ông thân sinh của bà đảm nhận nhiệm vụ đến từng nhà để vận động người dân đưa con em đến trường; song, việc này không mấy thuận lợi. Với quan niệm “văn chương không bằng xương cá mòi” nên lúc bấy giờ việc học của con em ít được người dân quan tâm. Tuy trở ngại là thế nhưng ông Hồ Tá Bang không nản chí, vẫn tiếp tục khuyên răn “chỉ có cái chữ mới chống lại được bọn Tây”(2), và tiếp tục vun bồi cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Quý Anh, sự cộng tác nhiệt thành của ông Hồ Tá Bang cùng nhiều nhân sĩ trí thức khác mà học trò theo học Trường Dục Thanh ngày càng đông thêm, có lúc lên tới 70 trò(3). Số này không chỉ trong nội thị Phan Thiết mà còn đến từ các vùng lân cận, như: Phú Hài, Mũi Né và cả Phan Rí nữa(4).

Về nội dung, trường cốt dạy chữ Quốc ngữ hơn là Hán tự, nhờ đó thanh niên Phan Thiết sớm được học thứ chữ được xem là “hồn của nước”. Hồ Tá Bang và cộng sự hội Liên Thành coi đây là biện pháp chấn dân khí, khai dân trí tốt nhất; đồng thời, việc học chữ Quốc ngữ còn tranh thủ được cảm tình của chính quyền địa phương, vì lúc này đã có nghị định buộc các trường tiểu học dạy chữ Quốc ngữ cho học sinh.

Cùng với đọc sách Tây, học chữ Quốc ngữ; cuộc vận động cải cách trang phục và cắt tóc ngắn được xem là hình thức dứt bỏ hủ tục nên các thành viên hội Liên Thành và Trường Dục Thanh quan tâm nhiều. Ông Hồ Tá Bang lúc bấy giờ tuy còn mặc áo dài nhưng tóc đã cắt ngắn, rất gọn gàng, mới mẻ và không còn đội khăn đóng. Cụ Nguyễn Đăng Lầu, một cựu học sinh Trường Dục Thanh trong những năm 1908 - 1909, cho biết: chỉ học trò trường ông là cúp tóc hết, còn các trường khác trong thị xã thì ít người thực hiện. Thậm chí học trò còn truyền tay nhau học thuộc lòng bài thơ khuyên cắt tóc ngắn(5).

Ngoài học kiến thức, học trò Trường Dục Thanh còn được học môn thể dục, buổi sáng lúc 6 giờ trước khi vào lớp và chiều 5 giờ sau khi tan học. Vì thế Dục Thanh được xem là ngôi trường không những mới về hình thức, mà còn tiên tiến về triết lý giáo dục; là “một trường tư thục vào loại tiến bộ nhất Việt Nam”(6) lúc bấy giờ.

Sau khi trường dừng hoạt động (1911), Hồ Tá Bang một lần nữa lại đi vận động những phú gia ở Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận gửi con cháu ra trú học tại Trường Dòng Pellerin (nay là Học viện Âm nhạc Huế). Cơ sở Liên Thành tại Hội An là nơi nghỉ trọ của học trò trong những tháng nghỉ hè. Vì đường sá xa xôi, cách trở nên trú tại Hội An ít tốn kém hơn là về Phan Thiết(7). Điểm qua những điều trên có thể thấy, Hồ Tá Bang không chỉ có tài kinh thương mà ông còn là con người của giáo dục, quan tâm tới sự nghiệp mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho quê hương Bình Thuận.

Trên đường vào Nam tìm hiểu tình hình, tháng 9/1910, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã tạm dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh. Nhờ mối quan hệ khá tốt với Công sứ Garnier nên Hồ Tá Bang và Trần Lệ Chất sau một thời gian đã chuẩn bị xong giấy thông hành và thẻ căn cước cho Nguyễn Tất Thành (với tên gọi mới là Văn Ba) để vào thuộc địa Nam kỳ.

Tháng 2/1911, ông Hồ Tá Bang và cụ Trương Gia Mô đã đưa Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết để vào được Sài Gòn một cách trót lọt. Tại Sài Gòn, cũng nhờ sự giúp đỡ của ông Hồ Tá Bang và những người trong hội Liên Thành mà Nguyễn Tất Thành được nhận vào làm việc tại phân cuộc của Công ty nước mắm Liên Thành (thành lập năm 1906) đặt tại Chợ Lớn (nay là số 5 Châu Văn Liêm, Q.5, TP. Hồ Chí Minh)(8).

Như vậy, trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có dấu ấn của cá nhân ông Hồ Tá Bang và các nhân sĩ trong tổng hội Liên Thành. Nhờ những vị này mà Nguyễn Tất Thành - một thanh niên Việt Nam yêu nước đã khởi đầu sự nghiệp vĩ đại, giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho nhân dân.

Bài 2: Mở Liên Thành thương quán, chung tay phát triển thực nghiệp

(1): Bồ Cảng. “Một ít dật sử của ông Nguyễn Lộ Trạch”. Báo Tiếng dân, số 453, ngày 13/1/1932. Nguyễn Văn Xuân. “Phong trào Duy Tân”. Đà Nẵng: 1995. (2): Dẫn theo Trần Tuy An. “Con gái của người sáng lập Trường Dục Thanh”. Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh Online, đăng ngày 8/10/2012. (3): Tạ Thị Thúy. “Lịch sử Việt Nam”, tập 7. Khoa học xã hội: 2017. (4), (5): Nguyễn Đăng Lầu. “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành và Trường Dục Thanh”. Tạp chí Xưa và Nay, số 116 (tháng 4/2002). (6): Cô-bê-lép. “Đồng chí Hồ Chí Minh”. Tiến bộ: 1985. (7): Theo Hồ Tá Khanh, sở dĩ ra Huế học là vì ngoài đó học phí rẻ; mỗi tháng học trò chỉ đóng 9 đồng, trong khi ở Sài Gòn tới 12 đồng. (8): Theo bài viết “Thăm nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng ngày 24/8/2019.

ĐỖ THÀNH DANH