Vì sao tội phạm về trật tự xã hội giảm sâu?

Pháp luật - Ngày đăng : 06:37, 18/07/2022

Việt Nam đang áp dụng chính sách mới - “sống chung với Covid -19”. Điều này có nghĩa, các hoạt động kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân trở lại gần như lúc chưa có dịch Covid-19. Và trong xu thế đó, các loại tội phạm cũng gia tăng trở lại. Nhưng 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 142 vụ tội phạm về trật tự xã hội (so với cùng kỳ 2021: giảm 39 vụ, tỷ lệ 21,5%). Điều gì đã tạo ra những kết quả này?

Đồng bộ các biện pháp

Theo đánh giá của ngành chức năng, sau thời gian dài thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động trở lại và diễn biến khá phức tạp. Hoạt động mại dâm được tổ chức thông qua đường dây gái gọi hoặc dẫn dắt mối của lái xe taxi, xe ôm hoặc bồi phòng, lễ tân ở các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ. Hoạt động đánh bạc vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức truyền thống (xóc dĩa, đá gà...) và trên không gian mạng (cá độ bóng đá, game đánh bài trực tuyến), các băng nhóm hoạt động với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi gây khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá.

de3f30e1cc830edd5792.jpg
Tổ liên quân 18, Công an TP. Phan Thiết tuần tra bảo vệ an ninh trật tự.

Diễn biến tình hình của các đối tượng phạm tội hiện nay yêu cầu lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng công an phải thay đổi các biện pháp đấu tranh nghiệp vụ cho phù hợp với tình hình thực tế. Đó không chỉ là đấu tranh với những đối tượng đơn lẻ mà còn là sự “luồn sâu”, theo sát hoạt động của các đối tượng có tính chất băng nhóm. Đó là việc triển khai tập trung lực lượng, tấn công, trấn áp quyết liệt các đường dây, tụ điểm phức tạp về ma túy. Mà vụ bắt 5 kg số lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh mới đây là một ví dụ.

9d81c9d88dbe4fe016af.jpg

Mô hình “Thị trấn an toàn, văn minh” tại Phan Rí Cửa đang phát huy hiệu quả cao trong bảo vệ an ninh trật tự.

Đó cũng là việc triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm hình sự nổi lên trên địa bàn, nhất là các băng, nhóm tội phạm hoạt động lưu động. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm hình sự nguy hiểm và tệ nạn xã hội. Mà hiệu quả rõ nhất là các Tổ liên quân phòng, chống tội phạm được triển khai trên địa bàn các huyện. Hàng đêm các tổ liên quân này cũng tập trung đầy đủ lực lượng, bám sát địa bàn, chú trọng tuần tra xuyên đêm ở các tuyến, khu vực trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương. Việc tuần tra liên tục ở những khu vực trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự đã nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Tổ liên quân ở các huyện đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, truy bắt, xử lý nghiêm một số đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực, góp phần kiềm chế làm giảm tội phạm, giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Từ đó, nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn huyện đã bị sa lưới trước pháp luật. 6 tháng đầu năm, số vụ trộm cắp tài sản giảm sâu, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ trộm cắp tài sản giảm 20 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Phòng, chống tội phạm từ gốc

Việc đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ dừng ở việc điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật mà một yêu cầu đặt ra là xây dựng những mô hình về an ninh trật tự phát huy hiệu quả, chuyển biến từ trong nhận thức của người dân nhất là những người trẻ. Và trong thời gian vừa qua tỉnh ta đã xây dựng được nhiều mô hình về an ninh trật tự có hiệu quả cao trong đấu tranh giảm tỷ lệ phạm tội một cách bền vững.

Thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong là một địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình ANTT trong nhiều năm qua. Để từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm này, tháng 3/2021, Công an tỉnh đã xây dựng mô hình “Thị trấn an toàn, văn minh”. Việc xây dựng mô hình cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy, tuyên truyền, vận động sâu rộng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật đã từng bước tạo được sự chuyển biến tại Phan Rí Cửa. Trong quá trình xây dựng mô hình, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh, triệt phá, xử lý các băng nhóm, đối tượng phạm tội để răn đe nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm. Đồng thời, tăng cường cán bộ cốt cán bám địa bàn cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên, không để tích tụ gây bức xúc phát sinh tội phạm, gây phức tạp về ANTT. Qua 1 năm hoạt động, mô hình đã cho thấy hiệu quả trong đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để đảm bảo an ninh trật tự, số vụ phạm pháp hình sự giảm sâu. Từ lúc mô hình đi vào hoạt động đến nay, thị trấn Phan Rí Cửa xảy ra 47 vụ việc có dấu hiệu hình sự (giảm 33 vụ so với cùng kỳ). Đặc biệt, không để xảy ra trọng án giết người như lúc chưa xây dựng mô hình. Qua đánh giá, mô hình “Thị trấn an toàn, văn minh” tại thị trấn Phan Rí Cửa đã thực hiện đạt 8/9 tiêu chí.

Hay như hiệu quả từ mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” tại thôn Châu Hanh, xã Phan Thanh đến nay huyện Bắc Bình đã nhân rộng và xây dựng được 7 tổ nòng cốt mô hình. Ngoài ra, các xã còn chú trọng xây dựng các mô hình “Tự phòng, tự quản” như mô hình “Camera an ninh”, “Tổ quần chúng tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự”, “Dòng tộc tự phòng, tự quản”... Thành viên chủ yếu của các tổ mô hình là các vị chức sắc, sư cả, trí thức có uy tín. Từ hiệu quả của mô hình mà người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động phát tán tài liệu có nội dung vi phạm pháp luật; giúp lực lượng công an bắt nhiều vụ tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc, giải tán kịp thời hàng chục vụ thanh thiếu niên tụ tập có biểu hiện gây rối trật tự công cộng.

Hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 6 nhóm mô hình “Tự phòng, tự quản”. Đó là các nhóm mô hình về: Phòng, chống tội phạm; nhóm mô hình phòng, chống ma túy; nhóm mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông; nhóm mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; nhóm mô hình sử dụng trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phòng, chống tội phạm; nhóm mô hình nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm ở 124 xã, phường, thị trấn và 60 cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cấp tỉnh. 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã tổ chức ra mắt hoạt động 3 mô hình: “Liên kết đảm bảo an ninh, trật tự trong và ngoài Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân” tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; “Phòng, chống xâm hại trẻ em và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi” tại phường Tân Thiện, thị xã La Gi; “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân.

6 tháng năm 2022, lực lượng cảnh sát điều tra đã tiếp nhận, thụ lý 1.323 tin báo, tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân. Qua đó, lực lượng cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự 680 tin, không khởi tố hình sự 237 tin, tạm đình chỉ 53 tin. Những con số này cho thấy người dân đã chủ động trong việc phối hợp cung cấp thông tin với các ngành chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nguyễn Luân