Trợ giúp pháp lý cho người yếu thế

Pháp luật - Ngày đăng : 05:45, 19/07/2022

Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, người yếu thế trên địa bàn toàn tỉnh được trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều hơn.
img_9542.jpg
Trợ giúp pháp lý cho người yếu thế.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Luật Trợ giúp pháp lý ra đời năm 2017 như một chiếc phao cứu sinh cho người yếu thế khi có chuyện liên quan đến pháp luật. Nghĩa là, người yếu thế gồm người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật, người già neo đơn... vướng vào vấn đề pháp lý như đi thưa kiện đòi quyền lợi, nhưng khó khăn về tài chính, không có điều kiện thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình, thì được trợ giúp pháp lý miễn phí theo tinh thần của luật.

z3015316218723_84d1c4d7b777f88edf8d9420eefeca37.jpg
Một phiên tòa có sự tham gia trợ giúp pháp lý cho người yếu thế.

Trước đây và ngay cả khi Luật Trợ giúp pháp lý đi vào cuộc sống, nhiều người yếu thế chưa biết đến quyền lợi này của mình, do công tác truyền thông cũng như sự quan tâm của các cấp, ngành còn hạn chế. Từ năm 2016 đến hết năm 2020, tính riêng chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1, phụ trách 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh chỉ tiếp nhận 47 trường hợp, bao gồm phối hợp với các cơ quan tố tụng. Con số này so với mật độ dân số có điều kiện khó khăn, hạn chế hiểu biết pháp luật là vẫn còn thấp. Từ thực trạng trên, yêu cầu đặt ra là để người yếu thế biết đến quyền lợi này của mình nhiều hơn. Đặc biệt sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là các cơ quan tố tụng như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án quá trình thi hành nhiệm vụ nếu thấy trường hợp nào trong diện yếu thế thì cần giới thiệu đến trung tâm. Bởi nếu một mình Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (trung tâm), thì không thể bao quát hết.

Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của tỉnh, trực tiếp là trung tâm - cơ quan thường trực của Hội đồng, tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền để người yếu thế biết đến. Những năm qua, trung tâm thường xuyên tổ chức tọa đàm, hội nghị tư vấn, trợ giúp, giải đáp pháp lý... Cùng với đó hàng quý kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý ở các huyện, thị. Đồng thời tuyên truyền trên các cơ quan báo, đài, mạng xã hội... thu hút người yếu thế quan tâm đến quyền lợi của mình.

Tăng về số vụ trợ giúp

Chia sẻ với các cơ quan tố tụng trong cuộc kiểm tra công tác phối hợp trợ giúp pháp lý hoạt động tố tụng ở các huyện Tánh Linh và Đức Linh năm qua, bà Nguyễn Thị Kiều Châu, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho biết: Công tác trợ giúp pháp lý ở tỉnh ta hiện đã tăng lên rất nhiều. Nếu như 6 tháng đầu năm 2021, trung tâm và 3 chi nhánh của trung tâm tiếp nhận 25 vụ việc người yếu thế đến đề nghị giúp đỡ, thì cùng thời điểm ấy của năm nay là 73 vụ việc. Trong đó, 67/73 trường hợp đã được trung tâm cử trợ giúp viên, luật sư đi trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng tại tòa, còn lại 6 trường hợp được tư vấn pháp luật tại trung tâm và chi nhánh.

Phần lớn họ thuộc vào gia đình, hộ nghèo, người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em... Theo đánh giá của trung tâm, việc tăng số vụ việc do trung tâm đổi mới hình thức hoạt động, trong đó chú trọng việc tuyên truyền trên truyền thông. Ngoài ra, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng. Các trợ giúp viên pháp lý ngày càng có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh nên khi bảo vệ pháp lý cho người yếu thế, mang lại hiệu quả cao. “So với những năm trước, từ năm qua đến nay người yếu thế đến trung tâm đề nghị giúp đỡ đông hơn. Hầu hết các vụ án khi có trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, thì bị hại bao giờ cũng đạt được ở mức thỏa mãn, hài lòng”, bà Châu cho biết thêm.

“Trợ giúp viên pháp lý lâu năm dày dặn kinh nghiệm trong việc tham gia tố tụng nên chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tăng lên, được các cơ quan tố tụng đánh giá cao và thường xuyên giới thiệu đối tượng được trợ giúp pháp lý về trung tâm. Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên bảo vệ quyền lợi, bào chữa cho họ”, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho biết.

Ninh Chinh