Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Pháp luật - Ngày đăng : 05:41, 20/07/2022

Tại Bình Thuận, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được tăng cường, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật...

Đối tượng vi phạm hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi cùng với mô hình kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh đã gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Do vậy công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục được tăng cường, nhất là khi tình hình thị trường thời hậu đại dịch đã dần sôi động trở lại.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được các lực lượng chức năng tăng cường trong thời gian qua (Ảnh minh họa).

Kết quả trong nửa đầu năm 2022 cho thấy, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện hơn 1.270 vụ vi phạm với 1.382 đối tượng vi phạm, so cùng kỳ năm ngoái giảm 311 vụ và giảm 315 đối tượng. Qua đó tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 913 trường hợp, khởi tố 222 vụ vi phạm với 292 đối tượng (giảm 76 vụ và giảm 62 đối tượng so cùng kỳ). Được biết tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước thời gian vừa qua là trên 40,3 tỷ đồng, bao gồm: Phạt hành chính hơn 17,43 tỷ đồng, truy thu thuế gần 22,3 tỷ đồng, bán hàng hóa tịch thu hàng trăm triệu đồng và tịch thu nhiều hàng hóa, tang vật vi phạm.

Trong đó lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hơn 400 trường hợp, phát hiện và xử lý 160 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước gần 2,55 tỷ đồng. Với Công an tỉnh cũng xúc tiến kiểm tra, phát hiện 614 vụ/725 đối tượng có hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm và an toàn thực phẩm. Hiện đã xử phạt vi phạm hành chính 318 vụ/366 đối tượng với số tiền nộp phạt trên 5,64 tỷ đồng, xử lý hình sự 205 vụ/275 bị can, chuyển cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền 12 vụ/12 đối tượng và đang tiếp tục điều tra, xử lý nhiều vụ việc khác…

Cùng thời gian, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, phát hiện 16 vụ với 16 đối tượng có hành vi vi phạm về tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đến nay hầu hết các vụ vi phạm đều được xử lý như: Xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ/2 đối tượng, xử lý hình sự 13 vụ/13 bị can, củng cố hồ sơ để ra quyết định xử phạt 1 vụ/2 đối tượng có hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp… Trong khi đó, lực lượng Hải quan xử lý 15 vụ vi phạm chủ yếu về hành vi không khai, nộp hồ sơ hải quan, tái xuất hàng hóa không đúng thời hạn quy định với tổng số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng.

Đặc biệt qua công tác thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng tại các doanh nghiệp, lực lượng chức năng của ngành Thuế đã phát hiện 135 vụ vi phạm hành chính. Tổng số thuế truy thu và phạt vi phạm hành chính về thuế là 28,629 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế 22,289 tỷ đồng và phạt vi phạm hành chính về thuế 6,34 tỷ đồng. Ngoài ra trong nửa đầu năm nay, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan thanh tra chuyên ngành (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương…) cũng tham gia công tác này. Qua đó kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính nhiều vụ vi phạm trên các lĩnh vực thuộc ngành, đơn vị quản lý.

Song song với việc thanh tra, kiểm tra thì công tác tuyên truyền, vận động về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được triển khai bằng nhiều hình thức tại địa phương. Mục tiêu hướng đến là ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa lưu thông trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý...

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình vi phạm về vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện tiềm ẩn nhiều phức tạp. Bên cạnh đó mô hình kinh doanh, dịch vụ online trên khu vực biên giới biển của Bình Thuận nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang phát triển bùng nổ và khó kiểm soát. Bởi đây là hoạt động mua bán hàng hóa chủ yếu thông qua mạng internet, các trang Website mua hàng trực tuyến, ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo… Hình thức mua bán này tiềm ẩn nhiều rủi ro, là cơ hội để các đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Nhất là với các mặt hàng như: Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh...

Đ.QUỐC