Khi đồng bào dân tộc thiểu số rời núi làm công nhân

Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 20/07/2022

Sản vật rừng ngày một “cạn kiệt”, nông sản làm ra khó bán hoặc mất mùa, mất giá nên ngày càng nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đi làm công nhân để cải thiện kinh tế gia đình.
20220705_062736.jpg
Xe đưa rước người dân tộc thiểu số đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Làm công nhân...

“Mình có một chiếc xe máy đưa cho vợ đi thì lấy gì đi, nên sáng nào cũng chở nó ra xe đưa rước công nhân, rồi về đi rừng và cắt cỏ cho bò, chiều tối lại đi đón vợ”, Nẻn ở thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ việc đưa và đón vợ, người đang làm công nhân ở khu công nghiệp. Vợ Nẻn là trong số rất nhiều người ở xã Thuận Hòa đang làm việc ở các khu công nghiệp. Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa - Lê Thị Hòa, ước lượng có khoảng 100 lao động trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Dân Hiệp hiện đang làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp ở TP. Phan Thiết.

z3574687980024_48ff9d1d92e2e58adb137d324ba2ee29.jpg

Ngoài thôn Dân Hiệp, thì phụ nữ, thanh niên thôn Lâm Thuận, thôn thuần đồng bào Chăm xã Hàm Phú cũng có mặt ở các khu công nghiệp. Họ chia nhau công việc trong gia đình, chồng giao việc cho vợ hoặc vợ giao việc cho chồng... chăm lo ruộng, vườn, nhà cửa, gia súc để đi làm công nhân, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Chủ tịch UBND xã Hàm Phú - ông Võ Văn Tâm cho biết, phần lớn người không đủ tuổi hoặc hết tuổi lao động ở nhà sản xuất, chăn nuôi, còn lại đi làm công nhân nên kinh tế nhiều hộ ở Lâm Thuận đang phất lên trông thấy. Tương tự nhiều người dân tại thôn Ku Kê, xã Thuận Minh cũng vậy. Chị Mang Thị Ba là trường hợp ở thôn có hoàn cảnh đáng thương khi chồng chết để lại 3 đứa con nhỏ, nên quyết định đi làm công nhân và giao việc nhà cho đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ.

Đó là những minh chứng điển hình ở huyện Hàm Thuận Bắc, nơi có 16.548 người đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả họ đang nỗ lực vượt qua đói nghèo, hủ tục lạc hậu để đến các khu công nghiệp, tập tành làm công nhân, làm quen với máy móc hiện đại. Những khu công nghiệp ấy không chỉ nội tỉnh mà còn ngoài tỉnh như TP.HCM, Bình Dương với mong muốn đảm bảo kinh tế gia đình. “Tính riêng Công ty TNHH Quốc tế Right Rich ở Khu công nghiệp Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam đã có 2.000 công nhân đang làm việc chưa kể ở các khu công nghiệp như Phan Thiết và ngoài tỉnh. Trong đó có khá nhiều người dân tộc thiểu số đang làm việc ở đây”, chị Huỳnh Thị Thu Ngân – Trưởng phòng Lao động Thương binh - Xã hội huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ.

... ổn định cuộc sống

Toàn tỉnh có hơn 100.000 người đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Cờ Ho, Rai, Raglay... trải đều ở các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh. Sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và đi rừng săn bắt, hái lượm. Những năm gần đây biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến trồng trọt; rừng ngày một thu hẹp diện tích, sản vật rừng cạn kiệt nên cuộc sống khó khăn, dù Đảng và Nhà nước hết mực chăm lo như cấp đất sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề.

Nhiều người đồng bào được các cấp, ngành địa phương quan tâm vận động đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Từ một người đi, sau đó nhân lên thành nhiều người do thấy được lợi ích của việc đi làm công nhân, không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn không phải chân lấm tay bùn như làm nông... “Đi sớm về muộn, tăng ca nhận 7 triệu đồng/tháng, phụ thêm với gia đình chi tiêu trong cuộc sống, còn hơn vợ chồng, con cái cứ tập trung vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Nếu lỡ mất mùa, mất giá, dịch bệnh đổ nợ thì biết bấu víu vào đâu” - bà Mang Thị Thồi ở thôn Dân Hiệp chia sẻ. Theo đó, hàng năm, số lượng thanh niên đến tuổi lao động được học nghề, có việc làm gia tăng, từ đó đời sống người đồng bào từng bước được cải thiện và ổn định.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người chưa quen với môi trường làm việc nề nếp kỷ cương cao ở các khu công nghiệp. Vì nhận thức chưa đầy đủ, cũng như chưa bắt kịp với nhịp sống mới nên vẫn bám rừng, bám nương rẫy, dù chính quyền địa phương nỗ lực động viên. “Những năm qua chúng tôi đã khuyến khích bà con đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hàm Kiệm, thậm chí dẫn họ đến nơi, nhưng làm được vài hôm họ về, vì không quen môi trường làm việc”, chị Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết và nói thêm sẽ tiếp tục vận động.

Theo kết quả 10 năm thực hiện chính sách xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số: tỷ lệ hộ nghèo, năm 2012 đạt 32,47%, năm 2020 đạt 14,26%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng 1,52 lần so với năm 2015 (năm 2015: 24 triệu đồng, năm 2020: 36,5 triệu đồng). Từ năm 2012 đến năm 2020 đã xây dựng nhà ở cho người nghèo vùng DTTS được 140 căn nhà, với tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng. 100% hộ nghèo DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Ninh Chinh