Kiến nghị mở rộng QL 1A đoạn nam Bình Thuận và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt
Xã hội - Ngày đăng : 05:13, 21/07/2022
Theo đó, đối với tuyến quốc lộ 1A (đoạn từ km 1720+800 đến km 1770+734, đoạn Phan Thiết – Đồng Nai) đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt bổ sung dự án đầu tư mở rộng nền, mặt đường, lắp đặt dải phân cách giữa tại một số đoạn tuyến (19,6km) và mở rộng 3 cầu Phú Sung, cầu Ông Hạnh, cầu Tà Mon. Đến nay dự án đã hoàn thành, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình TNGT trên đoạn đường này còn rất phức tạp, lái xe thường vượt ẩu, nguy cơ xảy ra TNGT đối đầu, do còn hơn 30 km không có dải phân cách giữa. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu phương án mở rộng QL1A đảm bảo 4 làn xe, lắp đặt 30 km dải phân cách giữa theo Công văn số 315 ngày 3/9/2020 của Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, thực hiện Quyết định số 358 ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1955 ngày 6/6/2021 để triển khai thực hiện đề án với tổng mức đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách của tỉnh rất khó khăn. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cân đối nguồn kinh phí, hỗ trợ tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng các đường gom, hàng rào để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh theo lộ trình mà UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi đề nghị tại Công văn số 3597/UBND-ĐTQH, ngày 29/9/2021 cho Bộ Giao thông Vận tải.
Có thể thấy, mặc dù hiện tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sắp hoàn thành đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề về lưu lượng phương tiện. Tuy nhiên tuyến giao thông quốc lộ 1A đoạn nam Bình Thuận cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đi lại giao thương, vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng, không chỉ tỉnh Bình Thuận mà với các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... Do vậy, việc mở rộng đồng bộ làn đường và gắn dải phân cách không chỉ có ý nghĩa về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mà còn hết sức cần thiết để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đối với tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua địa bàn Bình Thuận dài hơn 177 km và tuyến đường sắt nhánh từ Ga Bình Thuận (Mương Mán) đến Ga Phan Thiết dài hơn 9 km; hiện có tổng cộng 209 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó gồm 64 đường ngang hợp pháp và 145 lối đi tự mở.