“Tiền mất, tật mang” vì làm theo yêu cầu trên mạng xã hội

Pháp luật - Ngày đăng : 05:43, 22/07/2022

Dù cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các phương tiện truyền thông thường xuyên thông tin, cảnh báo, đồng thời liên tục đưa ra những khuyến cáo, thế nhưng nhiều người vì mất cảnh giác đã sa vào bẫy của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Mất tiền tỷ

Công an tỉnh cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Vì thế, nếu không cảnh giác, bất kỳ ai tin và làm theo những yêu cầu mà chưa xác thực thông tin từ người yêu cầu thì rất có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của tội phạm lừa đảo. Trên thực tế, không ít người sau khi nhận cuộc gọi của người tự xưng “công an điều tra”, “cán bộ ngân hàng”… đã bị mất tiền tỷ chỉ sau vài phút. Hành vi dễ nhận diện nhất của những cuộc gọi giả mạo này là đối tượng thường hù dọa, quy chụp nhiều tội danh cho người dân khiến họ hoang mang và làm theo mọi yêu cầu, sau đó trục lợi.

321.jpg
123.jpg
Nhan nhãn những tin nhắn chào mời hấp dẫn với mức lương cao, nhưng thực chất đây là chiêu trò của tội phạm lừa đảo, mua bán người. 

Loại tội phạm này còn giả làm nhân viên mạng viễn thông gọi điện thoại hoặc nhắn tin đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi SIM 4G/5G miễn phí để chiếm đoạt số điện thoại. Từ đó, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử của chủ SIM. Một thủ đoạn lừa đảo khác khá phổ biến thời gian gần đây là chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng. Đây là chiêu trò mà tội phạm lừa đảo yêu cầu người dùng trả số tiền đã nhận kèm theo tiền lãi dựa trên nội dung “cho vay” được đối tượng cố ý lập ra. Thủ đoạn này chủ yếu đánh vào tâm lý cả tin, thiếu hiểu biết quy định pháp luật của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2022, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 23 đơn trình báo vì bị đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Bằng nhiều phương thức, chúng thường chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân (Zalo, Facebook) để liên hệ thân nhân, bạn bè các chủ tài khoản này mượn tiền. Giả danh cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật (công an, tòa án, Viện kiểm sát) để lừa đảo những cá nhân nhẹ dạ, cả tin nhằm chiếm đoạt tài sản; giả danh nhân viên nhà mạng viễn thông, ngân hàng để lừa lấy mã đăng nhập các ví điện tử; tuyển cộng tác viên mua hàng trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki). Dùng trạm thu phát sóng (PTS) phát tán tin nhắn giả mạo các ngân hàng để lừa chiếm đoạt mã giao dịch chuyển tiền; câu nhử người dân tham gia đầu tư tài chính tại các sàn giao dịch tiền ảo với lãi suất cao sau đó chiếm đoạt tài sản...

Lao đao vì tin lời ảo

Một loại tội phạm khác cũng thường sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram… để hoạt động cần hết sức cảnh giác đó là tội phạm mua bán người. Loại tội phạm này đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào cảnh khốn cùng, thậm chí có người phải tìm đến cái chết để giải thoát, mà trường hợp anh Nguyễn Xuân Đ. ở La Gi là một minh chứng. Vì tin vào những lời như rót mật vào tai, vào lời hứa sẽ có “việc nhẹ, lương cao” nơi xứ người... để rồi bị sập bẫy. Sau đó, nạn nhân phải sống trong chuỗi ngày u tối và phải trả một cái giá rất đắt bằng những trận đòn roi luôn thường trực và chính sinh mạng của mình.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận 4 đơn trình báo của người dân liên quan đến tội phạm mua bán người. Đơn cử, ngày 14/5/2022, công an tiếp nhận đơn của bà Lê Thị Hiền và Lê Thị Hữu Hạnh cùng ngụ xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) về việc con của mình là Nguyễn Nhật Hải (SN 2004), Lê Khải Minh (SN 2003) xin gia đình đi Tây Ninh làm việc từ ngày 8/5/2022. Ngày 13/5, hai em Hải, Minh gọi điện về cho gia đình thông báo bị lừa bán qua Campuchia và đề nghị gia đình chuyển 2.500 USD tiền chuộc. Ngày 17/5/2022, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận đơn trình báo của bà Nguyễn Thị Thu Sương (trú thôn Phú Hưng, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam) về việc con của bà là Nguyễn Bạch Hữu Nghĩa (SN 2006) bị lừa bán qua Campuchia và yêu cầu gia đình sang chuộc về.

Trước những phương thức, thủ đoạn trên, người dân phải thận trọng để không “tiền mất, tật mang”. Khi nhận tin nhắn đề nghị chuyển tiền, tuyệt đối không thực hiện khi chưa xác minh lại thông tin người nhận tiền; không làm theo yêu cầu từ lời hứa việc nhẹ, lương cao trên mạng xã hội, bởi thực chất là thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, mua bán người. Cùng với việc đề cao cảnh giác, mỗi người khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp theo quy định của pháp luật.

LÊ PHÚC