Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm OCOP

Kinh tế - Ngày đăng : 05:24, 25/07/2022

Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ càng được nâng tầm về giá trị và thương hiệu, tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng và thị trường tiềm năng.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực và có lợi thế ở các địa phương. Các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình được hỗ trợ áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO, thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ... Đến nay Bình Thuận đã phát triển mới được 70 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao, 2 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 5 sao (rong nho và rong nho muối).

Sản phẩm OCOP bảo hộ sở hữu trí tuệ nâng tầm giá trị, tiếp cận tốt hơn với thị trường tiềm năng.

Việc bảo hộ nhãn hiệu là sự ghi nhận chính thức của Nhà nước về quyền sở hữu độc quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, từ đó có cơ chế tương ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu. Việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung góp phần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, sản phẩm có cả 2 dạng nhãn hiệu (công nhận theo OCOP và bảo hộ sở hữu trí tuệ) sẽ được nâng tầm về chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường tiềm năng trong và ngoài nước. Đối với các sản phẩm OCOP có tiềm năng xuất khẩu, việc bảo hộ thương hiệu càng trở nên cần thiết.

Chia sẻ về vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP, ông Huỳnh Văn Lâm – Phó Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: Việc đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản sẽ góp phần duy trì và phát triển thương hiệu cho các chủ thể ở khu vực nông thôn như các doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó phát triển chuỗi giá trị và cộng đồng địa phương. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN), theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện nay đã có 13/70 sản phẩm OCOP của 10 tổ chức, cá nhân được hỗ trợ, tư vấn về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm: Nhãn hiệu tập thể “Nhãn xuồng cơm vàng”, nhãn hiệu hàng hóa “Nước mắm nhĩ cá cơm hiệu Ánh Vàng”, “Nước mắm nhĩ cá cơm”, “Mắm lú lâu năm 400”, “Bánh rế”, “Bánh rế khoai lang”, “Dầu đậu phộng nguyên chất”, “Sầu riêng cấp đông không hạt”, “Gạo Đức Lan”, “Nước mắm truyền thống Cá Đen”.

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng, quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sử dụng yếu tố địa danh cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh. Khai thác hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ...

Mục tiêu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh định hướng đến năm 2030, phấn đấu tối thiểu đến năm 2025 đạt 50% và năm 2030 là 70% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm dịch vụ lợi thế, chủ lực của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

C.Tường