Du lịch Bình Thuận: Vươn lên với những “điểm sáng” nổi bật

Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 25/07/2022

Trong chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển, du lịch Bình Thuận đã có những bước tiến dài đáng ghi nhận, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng cũng như khẳng định là ngành kinh tế thế mạnh của địa phương…

Vươn lên mạnh mẽ

Nhật thực toàn phần diễn ra tại Phan Thiết vào cuối tháng 10/1995 thực sự mở ra cơ hội để Bình Thuận đánh thức tiềm năng du lịch và cũng là bước khởi đầu cho ngành kinh tế non trẻ của địa phương vươn lên mạnh mẽ. Bởi qua sự kiện này, các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước thấy được tài nguyên du lịch vô cùng phong phú của vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ. Từ đó sớm trở lại tìm hiểu, xúc tiến đăng ký đầu tư và mạnh dạn “đổ vốn” thực hiện hàng loạt dự án quy mô chưa từng có trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận xét của giới chuyên ngành thì vào những năm đầu thế kỷ 21, trên cả nước không có địa phương nào đón làn sóng đầu tư dự án du lịch bùng nổ như tại Bình Thuận. Thực tế cũng cho thấy, từ một dự án trên tuyến đường Hàm Tiến - Mũi Né được xem là resort đầu tiên ở Việt Nam lúc bấy giờ, chỉ vài năm sau đó Phan Thiết dần nổi tiếng và trở thành điểm đến hút khách với tên gọi quen thuộc “Thủ đô resort”…

Từ đây, Bình Thuận cũng được nhiều du khách chọn là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, vì ngoài các bãi biển dài đẹp còn có cảnh quan đặc trưng: Đồi cát bay Mũi Né, Suối Tiên, Bàu Trắng, Mũi Kê Gà, Thác Bà, Bãi đá Bảy màu… Bên cạnh đó cũng sở hữu nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng (núi Ông, núi Tà Cú, Khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu) và tài nguyên nhân văn (tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Vạn Thủy Tú, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự…). Hiện nay ngoài lợi thế về nghỉ dưỡng biển cao cấp, thể thao giải trí trên biển - trên đồi cát, golf… thì Bình Thuận cũng tập trung phát triển sản phẩm du lịch “xanh” gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Được biết đến nay toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú kinh doanh du lịch với tổng số hơn 17.430 phòng, đó còn chưa tính gần 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch cho thuê. Ngoài ra có khoảng 400 cơ sở ăn uống, mua sắm và nhiều loại hình dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí được quan tâm đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của hầu hết đối tượng du khách khi đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng.

“Điểm sáng” nổi bật

Với bờ biển dài 192 km, hiện Bình Thuận đã thu hút dự án đầu tư phát triển ngành “công nghiệp không khói” không chỉ tập trung tại Phan Thiết mà còn trải dài từ Tuy Phong, Bắc Bình đến Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân. Trên chặng đường vươn lên khẳng định điểm đến mới nổi, du lịch địa phương đã tự tin phối hợp tổ chức nhiều sự kiện ghi dấu ấn mang tầm quốc gia và thế giới. Trong đó có: Bình Thuận - Hội tụ Xanh, Giải lướt ván buồn Cúp Thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam, Festival Thuyền buồn quốc tế Mũi Né - Việt Nam, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ I…

Du lịch Bình Thuận nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ảnh minh họa).

Trong thu hút dự án đầu tư, địa phương cũng đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để triển khai những dự án “điểm nhấn”, làm động lực cho du lịch tỉnh nhà tiếp tục vươn lên xứng tầm tiềm năng, lợi thế… Như tại xã Tiến Thành (khu vực phía nam TP. Phan Thiết), Tập đoàn Novaland đã triển khai dự án NovaWorld Phan Thiết có diện tích khoảng 1.000 ha, tổng mức đầu tư gần 5 tỷ USD với tầm nhìn trở thành “Siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe”. Đây sẽ là điểm đến hàng đầu của châu Á, đồng thời góp phần đưa Phan Thiết trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch MICE và du lịch chăm sóc sức khỏe Wellness.

Thời gian qua, thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có quyết định công nhận Mũi Né là Khu du lịch quốc gia. Theo đó, Mũi Né và các khu vực lân cận được lựa chọn để trở thành khu vực ưu tiên phát triển du lịch của Việt Nam, tạo sức bật mạnh mẽ giúp Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn và có sức cạnh tranh trong khu vực… Riêng tại địa phương, Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành ngay thời điểm Bình Thuận chính thức mở cửa đón khách trở lại trong giai đoạn bình thường mới. Mục tiêu hướng tới: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Cùng với hệ thống giao thông đối ngoại đang dần được hoàn thiện và tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, tin rằng Bình Thuận không những là “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt mà còn sớm trở thành điểm đến mang tầm quốc tế.

Trước khi đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, du lịch Bình Thuận luôn thể hiện mức tăng trưởng khá ấn tượng cả về chỉ tiêu đón khách lẫn doanh thu từ hoạt động du khách. Tính riêng năm 2019, toàn tỉnh đón 6,404 triệu lượt khách (bằng gấp 512,77 lần so năm 1992, tức tăng bình quân 26%/năm), trong đó khách quốc tế có 774.000 lượt (gấp hơn 80 lần so năm đầu tái lập tỉnh, tức tăng bình quân 17,65%/năm). Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2019 của địa phương đạt 15.200 tỷ đồng, bằng gấp 2.515,89 lần so năm 1992, tức tăng bình quân 33,64%/năm…

QUỐC TÍN