Hỗ trợ và ý chí tự cường người có công

Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 26/07/2022

Không ít gia đình người có công đã vươn lên làm giàu trong sự thán phục của bao người, vì họ đã vượt lên chính mình với nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường khác.
dsc_7134.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh tặng quà tết cho đối tượng chính sách. Ảnh: Đ.Hòa

Từ 97 hộ nghèo người có công cuối cùng

Cứ như thêm một thử thách khác nữa trong đời, 97 hộ nghèo có thành viên là người có công cách mạng cuối cùng của tỉnh đã thoát nghèo vào cuối năm 2019, thì liền đó phải đối mặt với ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 kéo dài. Qua hơn 2 năm dịch bệnh với bao biến động, đến lúc này, cụ thể là ngày gần đây, khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương chú trọng và toàn dân chung tay thực hiện tốt các chính sách ưu đãi với người có công, phấn đấu không để gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo thì Bình Thuận không có đối tượng nào như trên bị tái nghèo. Đó là thành tích nổi bật. Bởi với người bình thường về sức khỏe, đại dịch Covid – 19 như cơn bão lớn đã đưa họ từ đang giàu, khá xuống cận nghèo, nghèo, sau những chuỗi ngày đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng nhà máy, cơ sở; mất việc, không bán được nông sản… Vậy nên, với người có công, vốn dĩ họ đã gửi thanh xuân vào chiến tranh, bây giờ thời bình mang theo những vết thương đau thấu mỗi khi trái gió, trở trời, thành ra việc giữ không tái nghèo của 97 hộ cuối cùng này và cả ngàn gia đình người có công khác, là sự nỗ lực đáng ghi nhận. Ai cảm nhận được đều hiểu phía sau thành tích ấy là cả hệ thống chính trị cho đến các mạnh thường quân, hàng xóm chăm lo giúp đỡ theo hướng nơi giúp “con cá”, nơi hỗ trợ “cần câu”.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thời điểm ấy, đối với các hộ thiếu hụt về thu nhập được nhận đỡ đầu hàng tháng với mức hỗ trợ bình quân từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Các hộ còn lại được hỗ trợ vay vốn, miễn giảm học phí, cấp học bổng cho con em tham gia học tập, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ phương tiện thông tin gồm: ti vi, radio, điện thoại... Các cấp từ tỉnh đến địa phương tập trung vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Quỹ vì người nghèo đạt và vượt chỉ tiêu, các mạnh thường quân cũng nhiệt tình đóng góp. Từ đó đã kịp thời hỗ trợ kinh phí dựa vào các chế độ, chính sách, giúp hộ nghèo người có công có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Đến mở “con đường” tự cường

Một cán bộ ở huyện Hàm Thuận Bắc, kể lại quá trình giúp 15 hộ người có công cách mạng cuối cùng của huyện thoát nghèo vào năm 2019 với sự nỗ lực. Vì đa số những hộ cuối cùng này tập trung ở các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên các yếu tố không thuận lợi về địa hình, giao thông, thời tiết đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, thu nhập của họ. Lúc đó huyện huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ các hộ dưới nhiều hình thức phù hợp, tùy vào điều kiện cụ thể của từng gia đình. Kết quả cuối năm 2019, 15 hộ gia đình người có công đã vượt nghèo. Sẵn đà, huyện ra chỉ tiêu tiếp tục giúp 30 hộ gia đình người có công khác đang là hộ cận nghèo vươn lên và cuối năm 2020 đã đạt được kế hoạch đề ra. Bây giờ, ở huyện có nhiều gia đình người có công phát triển kinh tế tốt.

img_8367.jpg
Cựu chiến binh xã đa mi thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.Hòa

Chuyện thoát nghèo, thoát cận nghèo với hộ gia đình người có công ở Hàm Thuận Bắc cũng tương tự như các huyện, thị khác trong tỉnh. Tất cả chính nhờ những hỗ trợ của chính quyền, xã hội với tâm thế khơi thông, tăng trưởng thêm ý chí tự lực, tự cường của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, điều mà với bản chất bộ đội Cụ Hồ đã sẵn có. Đến thời điểm này, theo cảm nhận của nhiều người là phần lớn hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đã mở ra “con đường” tự chủ. Thực tế, không ít gia đình người có công đã vươn lên làm giàu trong sự thán phục của bao người, vì họ đã vượt lên chính mình với nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường khác. Có những thương binh với tỷ lệ thương tật hơn 50% cơ thể nguyên vẹn mà cha mẹ cho nhưng không ỷ lại, trông chờ mà xông pha tăng gia sản xuất nuôi sống gia đình, nhiệt huyết tham gia công tác xã hội… Có những bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã kiên trì làm giàu, đóng góp vào tăng thu nguồn ngân sách và tham gia đóng góp tích cực công tác xã hội từ thiện, hỗ trợ cho người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo tại địa phương.

z3593110917654_ef248eebc4726726243221c8209c2d0f.jpg
Cựu chiến binh trồng tiêu ở Võ Xu, Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những bù đắp của chúng ta cho các thương binh, liệt sĩ và người có công không bao giờ bằng được những gì mà họ đã cống hiến cho nhân dân, đất nước. Và thực tế diễn ra cho thấy chính người có công cũng đang tiếp tục cống hiến tiền của, sức lực, sự nhiệt huyết cho sự phát triển đất nước.

Bích Nghị