Giáo dục giới tính - “lá chắn” an toàn cho trẻ
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:09, 26/07/2022
Thiếu kiến thức về giới
Thầy giáo dạy bơi liên tục vẫy tay ra hiệu cho cậu học trò vào phòng thay đồ, nhưng cậu ta có vẻ còn mải chơi, không hề để ý. Đến khi thầy phải nói như ra lệnh: “Vào phòng thay đồ nhanh lên, nhanh!”, thì cậu bé mới lững thững bước vô. “10 tuổi, thành hình, thành dáng của thanh niên nhưng thằng bé cứ “khờ trân””, là lời của mẹ cậu biện hộ với thầy và những phụ huynh tại hồ bơi. Còn đám con gái dưới hồ thì được một phen ngượng ngùng.
Con cái luôn bé bỏng trong mắt cha mẹ. Có lẽ vì thế mà với nhiều phụ huynh, việc giáo dục giới tính ở lứa tuổi tiểu học còn quá sớm chăng. Điều này vô hình trung khiến cho trẻ bị thiệt thòi khi thiếu các kiến thức, kỹ năng quan trọng trong quá trình phát triển. Đã có những hệ quả đáng tiếc, nhiều trường hợp không biết tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại tình dục.
Theo một giảng viên tâm lý Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận: Giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là điều cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, mỗi độ tuổi sẽ có cách giáo dục khác nhau để đảm bảo trẻ tiếp thu hiệu quả nhất. Và khi ở tuổi dậy thì, cha mẹ cần xem đây là một giai đoạn phát triển bình thường. Nhiều đứa trẻ khá tò mò, hay hỏi về việc mình sinh ra như thế nào. Câu trả lời của phần đông cha mẹ là từ lỗ rốn, từ nách… Thay vì việc “nói dối” con như vậy, hãy cho con xem các bộ phim khoa học, mua các cuốn sách viết về hành trình được sinh ra của mình. Dần dần những cuộc trò chuyện về giáo dục cho trẻ về giới tính sẽ trở nên cởi mở hơn rất nhiều. Đừng phó thác việc này cho nhà trường. Nếu con không được học, con sẽ tự tìm hiểu và làm theo những thông tin sai lệch, điều này gây nên những tác hại không lường trước được.
Thực tế đáng báo động khi hiện nay trẻ vị thành niên (VTN) quan hệ tình dục và mang thai sớm đang có xu hướng tăng. Điều này tạo nên rất nhiều hệ lụy cho chính trẻ VTN và cả gia đình, xã hội. Việc mang thai sớm của trẻ VTN đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và cuộc sống của trẻ cũng như gia đình.
Hành động vì trẻ em
“Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi khi xâm hại”. Đây là một trong những thông điệp được bà Nguyễn Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhắc lại nhiều lần trong buổi trò chuyện về giáo dục giới tính cho học sinh vào dịp hè do các cơ sở Đoàn Thanh niên tổ chức.
Được tiếp cận với công nghệ thông tin và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nên hầu như 100 học sinh lứa tuổi 11 – 15 tại phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) hôm đó đều nhận biết được các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, tảo hôn… Tuy nhiên, kiến thức cũng mới dừng lại ở mức hiểu biết chứ chưa thật sự có các kỹ năng bảo vệ bản thân nếu không may gặp phải. Tại buổi trò chuyện, nhiều câu chuyện quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở trong và ngoài tỉnh được báo cáo viên dẫn ra. Đó là vụ việc xảy ra ở Mũi Né, mà đối tượng thực hiện là thầy giáo hay sự việc nhói lòng khi cha ruột có hành vi xâm hại tình dục con gái của mình tại Hàm Thuận Bắc…
Qua đó cho thấy còn nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ rằng việc này không xảy ra với con cái của mình bởi chẳng bao giờ họ để con chơi với người lạ và họ đã chăm sóc con cái rất cẩn thận. Trong khi thực tế, nhiều trẻ bị xâm hại đều sống ở những nơi có tình hình an ninh ổn định, thậm chí bị chính những người quen biết, ruột thịt của mình xâm hại.
Đưa nội dung chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giáo dục giới tính vào sinh hoạt trong dịp hè này, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên các địa phương đều xác định: Trẻ em hôm nay nảy sinh xúc cảm giới tính khá sớm, các em đã sớm yêu từ hồi lớp 6, lớp 7, vì thế trẻ cần được giáo dục giới tính càng sớm càng tốt để có kiến thức, kỹ năng nhằm xác lập hành vi tình dục an toàn. Điều này giúp trẻ biết cách tự bảo vệ mình, tránh bị xâm hại hoặc có hành vi tình dục sớm, tình dục không an toàn và nhiều hệ lụy khác. Chúng ta cũng cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư là phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em. Đừng để vụ việc khi nó quá phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng rồi thì chúng ta mới giải quyết, mới can thiệp.