Nguyên nhân cháy rừng kinh hoàng hoành hành khắp châu Âu

Quốc tế - Ngày đăng : 15:07, 26/07/2022

Hệ thống thông tin về cháy rừng châu Âu cho biết, 19 quốc gia đang ở trong tình trạng “rất nguy hiểm” do cháy rừng. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ở mức “cực kỳ nguy hiểm”.

Các nhà khoa học cho rằng, tình hình cháy rừng có thể trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, trừ khi các biện pháp đối phó được thực hiện.

Tuần trước, các cơ quan dịch vụ khẩn cấp đã chiến đấu với các đám cháy rừng trên khắp các vùng đất ở Nam Âu trong bối cảnh người dân tại khu vực này phải sơ tán hàng loạt. Nhiệt độ ở Pháp và Anh đã giảm nhưng các nhân viên cứu hỏa vẫn phải ứng phó với các đám cháy rừng ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy.  

nguyen.png
Cháy rừng gần Landiras, Tây Nam nước Pháp hôm 15/7. Ảnh: AP

Lý do cháy rừng ở châu Âu

Cuộc di cư từ vùng nông thôn tới các thành phố tại châu Âu từ nửa sau thế kỷ XX đã khiến khu vực nông thôn bị bỏ quên và dễ bị tổn thương.

Johann Goldammer, người đứng đầu Trung tâm Giám sát Hỏa hoạn Toàn cầu, một cơ quan cố vấn của Liên Hợp Quốc, cho biết, nhiều khu rừng ở châu Âu ngập tràn vật liệu dễ cháy, bao gồm thân cây chết, cành cây gẫy và cỏ khô.

“Đây là lý do tại sao chúng ta có nguy cơ đối mặt với cháy rừng chưa từng có, bởi chưa bao giờ trong lịch sử, như 1.000 hoặc 2.000 năm qua, lại có nhiều vật liệu dễ cháy xung quanh như vậy”, ông Goldammer nói.

Chỉ một ngọn lửa nhỏ cũng có thể làm bùng phát một đám cháy rừng. Tại Bồ Đào Nha, nơi hơn 100 người thiệt mạng trong các vụ cháy rừng vào năm 2017, các nhà chức trách cho biết 62% các đám cháy bắt nguồn từ các hoạt động nông nghiệp như đốt rơm rạ.

Theo AP, biến đổi khí hậu đã đã góp phần vào các đám cháy rừng và khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

“Điều này đặc biệt đúng ở miền Nam châu Âu, nơi ngày càng xuất hiện nhiều điều kiện thời tiết thích hợp cho hỏa hoạn, với nhiệt độ cao, hạn hán và gió lớn, khiến cháy rừng vào mùa hè trở thành bình thường mới”, Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu ở Đại học Hoàng gia London, cho biết.

Trong tháng 7, Liên minh châu Âu lưu ý rằng trong 5 năm qua, EU đã chứng kiến ​​những trận cháy rừng dữ dội nhất và đợt hạn hán hiện tại của lục địa có thể là đợt hạn hán tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay. Theo Liên Hợp Quốc, khu vực Địa Trung Hải đang ấm lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu.

Số lượng các vùng nông thôn ở châu Âu bị ảnh hưởng bởi cháy rừng đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm nay, với gần 450.000 ha rừng bị cháy tính đến ngày 16/7, so với mức trung bình của giai đoạn 2006-2021 là 110.000 ha trong cùng thời điểm.

Cũng tính đến ngày 16/7, châu Âu đã chứng kiến ​​gần 1.900 vụ cháy rừng so với mức trung bình 470 vụ trong giai đoạn 2006-2021.

Những quốc gia nào đang đối mặt cháy rừng?

Cháy rừng đã và đang hoành hành ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp.

Cháy rừng ở vùng núi gần Athens, Hy Lạp đã buộc hàng trăm người phải sơ tán. Sau đó, nhà chức trách cho biết đã kiểm soát được cháy rừng.

Một trận cháy rừng đã bùng phát hôm 19/7, cách thủ đô Athens 27 km về phía Bắc và lan nhanh sang các quận nội thành lân cận, bao gồm cả Penteli và Anthousa. Mặc dù đã dập tắt được ngọn lửa, khoảng 485 lính cứu hỏa, 120 xe cứu hỏa và gần 20 máy bay vẫn ở lại hiện trường để giảm thiểu nguy cơ bùng phát.

Giới chức Hy Lạp cho biết, kể từ khi bắt đầu mùa cháy rừng vào ngày 1/5, họ đã ghi nhận gần 2.500 vụ cháy rừng.

Những trận cháy rừng ở Tây Ban Nha xảy ra do một đợt nắng nóng kỷ lục. Một đám cháy vào tháng 6 ở tỉnh Zamora đã thiêu rụi ít nhất 25.000 ha rừng. Hơn 6.000 người đã được sơ tán khỏi 32 ngôi làng trong khu vực.

Các nhân viên cứu hỏa tại Tây Ban Nha cũng đang chiến đấu với đám cháy ở các khu vực như Castile và Leon, Galicia, Aragon, Madrid và Castile-La Mancha.

Theo nhà chức trách, hơn 500 người đã tử vong trong đợt nắng nóng kéo dài 10 ngày ở Tây Ban Nha.

Một trận cháy rừng bùng phát hôm 17/7 tại Murca, phía Bắc Bồ Đào Nha và lan sang Vila Pouca de Aguiar và Carrazedo de Montenegro. Đám cháy đã làm thiệt hại khoảng 5.989 ha rừng.

Một số vụ cháy rừng cũng xảy ra tại các quận Leiria và Santarem, thuộc khu tự quản Ourem. Hơn 7.413 ha rừng đã bị thiêu rụi. Giới chức đã phong tỏa các đường cao tốc chính và các con đường nhánh do gió mạnh khiến lực lượng cứu hỏa gặp khó khăn trong việc dập lửa.

Một quan chức y tế Bồ Đào Nha cho biết, đã có 1.063 ca tử vong do nắng nóng trong khoảng thời gian từ ngày 7-18/7.

Đám cháy rừng bùng phát gần thị trấn Lucca của Tuscan, Italy đã phá hủy khoảng 650 ha rừng.

Chủ tịch hội đồng Tuscany Eugenio Giani cho biết, trận cháy rừng khiến khoảng 300 người phải sơ tán.

Một đám cháy ở Đông Bắc Italy đã lan sang Slovenia và khiến thành phố Trieste mất điện và nước.

Theo dự báo, Italy có nguy cơ đối mặt với nhiệt độ lên tới 48 độ C.

Các nhân viên cứu hỏa ở Tây Nam Gironde, Pháp đã nỗ lực để chế ngự ngọn lửa đã tàn phá gần 20.600 ha rừng. Gần 37.000 người đã phải sơ tán do đám cháy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, vụ hỏa hoạn là “một trong những vụ cháy lớn nhất trong lịch sử nước Pháp” và ca ngợi những người lính cứu hỏa và người dân địa phương vì nỗ lực khống chế hỏa hoạn. Cho đến nay chưa ghi trường hợp thương vong nào do vụ hỏa hoạn.

Tính đến nay, cháy rừng ở Pháp đã thiêu rụi 25% diện tích đất so với cùng kỳ năm 2021./.

vov.vn