Hàm Thuận Bắc: 30 năm hành trình bứt phá
Xã hội - Ngày đăng : 05:25, 27/07/2022
Biến khó thành dễ
3 thập kỷ (1992 - 2022), một chặng đường dài phát triển của các địa phương trong tỉnh, trong đó có Hàm Thuận Bắc. Nằm trong số 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh, Hàm Thuận Bắc có 17 xã, thị trấn đi lên từ xuất phát điểm rất thấp. Nghĩa là điều kiện ban đầu còn nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa khô; nông nghiệp phụ thuộc vào nước trời, năng suất thấp. Trước hoàn cảnh ấy, các cấp, ngành và nhân dân Hàm Thuận Bắc đã nỗ lực thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trong mỗi nhiệm kỳ, quyết tâm biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể.
Xác định nông nghiệp - ngành kinh tế chủ đạo, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững. Lãnh đạo huyện đề xuất với lãnh đạo tỉnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương đầu tư vào thủy lợi. Kết quả công trình biểu tượng để đời hồ Sông Quao hoàn thành năm 1997, sau đó nâng cấp vào cuối năm 2019, tưới tiêu cho 12.000 ha lúa nước của huyện. Tiếp đến là công trình kênh tiếp nước 812 - Châu Tá hoàn thành vào năm 2009 và nhiều công trình ao bàu, đập, kênh mương khác cũng được đầu tư, nâng cấp, đánh thức nhiều vùng đất.
Từ vùng đồng bằng đến vùng cao, hình thành nên những vườn cây công nghiệp trĩu trái như thanh long. Chỉ tính riêng các xã vùng cao có đến 4.300 ha cao su, điều, cà phê, sầu riêng, chôm chôm cho thu nhập khá. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện vào năm 2020 hơn 42.716 ha với sản lượng lương thực đạt 123.056 tấn. Cùng với đó, hình thành phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung liên kết từ cung ứng con giống đến tiêu thụ sản phẩm, thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 14 trang trại chăn nuôi, trong đó 9 trang trại chăn nuôi heo tập trung với quy mô đàn 44.000 con; 5 trang trại gà đã và đang xây dựng, hoạt động với quy mô đàn 100.000 con.
Hệ thống nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân được đầu tư, nhiều xã tưởng chừng không có được hệ thống nước sinh hoạt như ở các xã vùng cao nhưng nay đã có. Đó là 8 hệ thống nước sạch, trong đó có 3 xã vùng cao Đông Giang, Đông Tiến và La Dạ, có tổng công suất thiết kế 7.044 m3/ngày đêm. Cùng với nước giếng khoan, giếng đào được đánh giá hợp vệ sinh, đến nay nước sinh hoạt, nước sản xuất trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.
Nâng cao đời sống
Bên cạnh đó, Hàm Thuận Bắc còn đạt nhiều kết quả quan trọng khác nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nổi rõ, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 10 năm (2010 – 2019) toàn huyện huy động gần 2.291,379 tỷ đồng, trong đó có vốn huy động từ các doanh nghiệp, người dân, các tổ chức kinh tế; nổi bật nhất là phong trào làm giao thông nông thôn, trong 5 năm (2016 - 2020) toàn huyện đã huy động trên 200 tỷ đồng, đã đầu tư xây dựng mới 661 tuyến đường bê tông xi măng, với trên 232 km đường giao thông. Nhờ đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được kết quả khá tốt. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện đạt 221 tiêu chí, tăng 160 tiêu chí so với năm 2011 (61 tiêu chí), 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. So với năm 2011, một số tiêu chí quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân được nâng lên rõ rệt, như tiêu chí về điện có 100% số xã đạt chuẩn; tiêu chí về giao thông có 93,3% số xã đạt chuẩn; tiêu chí về thu nhập, có 80% số xã đạt chuẩn, tăng 80%; tiêu chí về hộ nghèo có 73,3% số xã đạt chuẩn, tăng 66,7%...
Chất lượng giáo dục đào tạo cũng nâng lên, nếu như trước kia tỷ lệ học sinh học yếu, bỏ học nhiều thì đến nay đã giảm. Huy động 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1; cơ sở vật chất giáo dục và đào tạo được đầu tư khang trang, trang bị đầy đủ thiết bị; 100% trường tiểu học, THCS đều có máy vi tính. Đến năm 2020, toàn huyện có 28/72 trường đạt chuẩn quốc gia. Về chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng nâng lên, đến nay hệ thống y tế có 285 giường bệnh với 399 cán bộ y tế trình độ chuyên môn cao... Đến cuối năm 2019, hộ nghèo toàn huyện có 3,02% và cận nghèo 5,47%, cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.
Hướng đến phát triển bền vững
Nhìn lại 30 năm thăng trầm đi lên, đạt những kết quả khả quan, nhưng so với bối cảnh chung cả tỉnh, bức tranh kinh tế Hàm Thuận Bắc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có. Địa phương có cảnh quan thiên nhiên đẹp, tiếp giáp với TP. Phan Thiết - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ quy mô nhỏ, năng suất lao động thấp, khả năng huy động các nguồn nội lực còn hạn chế. Chưa thu hút được nhà đầu tư vào phát triển mạnh du lịch ở các khu vực tiềm năng như Đa Mi, Sông Quao...
Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc cũng nhận thấy điều đó và đang đặt mục tiêu phấn đấu trong những năm tới. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng... Huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đi đôi với khai thác, phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế nhằm đẩy mạnh kinh tế phát triển nhanh và bền vững... tạo tiền đề phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Với quyết tâm cao, sự sáng tạo, tinh thần khát vọng vươn lên, chắc chắn huyện Hàm Thuận Bắc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra những kỳ tích mới. Ông Nguyễn Văn Bảy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Thời gian tới Hàm Thuận Bắc sẽ nỗ lực xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động tối đa nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế huyện theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững. Nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội.