Sau 30 năm tái lập tỉnh: Nông nghiệp phát huy tốt trụ đỡ kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 05:13, 02/08/2022
Không ngừng tăng trưởng
Bình Thuận được đánh giá là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, với 356.746 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 44,9% diện tích đất tự nhiên của tỉnh). Kể từ năm 1992, sau khi tỉnh Bình Thuận được chia tách từ tỉnh Thuận Hải, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và đã đạt được những bước tiến quan trọng. Trong đó, nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa từng bước hình thành và phát triển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với năm 1992, trong năm 2021 năng suất lúa của tỉnh tăng 29,7 tạ/ha, bắp tăng 53,5 tạ/ha, sản lượng lương thực tăng gấp 4,7 lần (841.710/180.242 tấn). Riêng 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng lương thực vụ đông xuân 2021-2022 toàn tỉnh đạt gần 291.000 tấn, tăng 17.764 tấn so với vụ đông xuân năm trước. Ngoài sản xuất lương thực để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, ngành nông nghiệp đã bước đầu đa dạng hóa sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Trong đó, các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như thanh long, cao su, điều…
Đánh giá về bước tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay cơ cấu cây trồng chuyển đổi tại các địa phương đúng hướng, diện tích cây lâu năm trong năm 1992 từ 12,6% tăng lên 35,4% vào năm 2021. Tỉnh cũng tập trung tái cơ cấu trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các sản phẩm lợi thế.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, những năm gần đây do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến khá phức tạp. Mặt khác, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp còn chậm; giá trị gia tăng, thu nhập người dân còn thấp, đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 đã gây ra biết bao hệ lụy đến con người và kinh tế, trong đó có sản xuất và tiêu thụ nông sản, mà trái thanh long chiếm phần lớn diện tích. Điều này đòi hỏi sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần phải có bước chuyển biến mới, thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà. Đó là một trong những nội dung trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
Với Bình Thuận, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, kết hợp ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đã thúc đẩy tăng nhanh diện tích, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng lợi thế của tỉnh. Trong đó, các loại cây lâu năm như cao su, thanh long từ chỗ chưa phát triển nhiều, đến nay diện tích cao su đã đạt 43.100 ha với sản lượng mủ 58.100 tấn/năm, tăng 57.980 tấn so năm 1992. Riêng cây thanh long đạt 33.500 ha với sản lượng thu hoạch 700.000 tấn/năm, tăng 693.000 tấn so năm 1992. Tỉnh cũng đang từng bước hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như thanh long, điều, cao su, an ninh lương thực được đảm bảo.
Đặc biệt, với diện tích thanh long VietGAP, GlobalGAP hiện có 12.924 ha, cộng thêm việc trái thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa “Bình Thuận”. Qua đó, đã xuất khẩu vào 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song song, cơ giới hóa trong nông nghiệp đã và đang chuyển biến tích cực. Chính nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với thị trường nên giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 bình quân đạt 123,5 triệu đồng/ha, tăng 118,05 triệu đồng/ha so năm 1992 (5,45 triệu đồng/ha).
Phát huy tiềm năng, lợi thế hiện có, ngành nông nghiệp tỉnh đang từng bước khắc phục những khó khăn. Mặt khác, không ngừng chuyển đổi theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và đang mở ra cánh cửa mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập…