Tập dần thói quen phân loại rác

Bạn đọc - Ngày đăng : 05:39, 03/08/2022

Dù chưa xử phạt nhưng Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực từ ngày 25/8 được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm về môi trường…

Ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký, ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường - thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

phong-chong-rac-thai-nhua.jpg
Tặng giỏ nhựa đi chợ cho phụ nữ nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông.

Theo nghị định trên, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải rắn hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Không chờ đến khi có quy định xử phạt, 2 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Sơn (khu phố 11, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn: “Gia đình tôi vẫn phân loại rác theo hướng dẫn của chi hội phụ nữ. Đó là có túi đựng rác vô cơ (gồm chất thải là túi ni-lon) và rác thải hữu cơ (rau, củ, quả, thức ăn thừa…) riêng biệt. Còn rác tái chế như chai lọ nhựa, giấy được gom lại cuối tháng bán cho những người thu mua ve chai. Bởi thế khi nghe thông tin có quy định mới “Nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng”, tôi rất ủng hộ, điều này sẽ mang lại lợi ích cho gia đình, cộng đồng.

tuy-phong.doi-vo-lon-lay-dung-cu-hoc-tap.11.jpg
Chương trình đổi chai nhựa lấy khẩu trang và đồ dùng học tập do Đoàn Thanh niên huyện Tuy Phong tổ chức nhằm giáo dục học sinh.

Cũng như bà Sơn, nhiều hộ trong cụm dân cư khu phố 11 khi được hỏi đều nhất trí với việc này, bởi việc thực hiện xử phạt sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác. Khi rác được phân loại rác tại nguồn sẽ giảm tải áp lực trong khâu xử lý, đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.

Tuy nhiên, thực tế không phải người dân nào cũng biết phân biệt đâu là rác hữu cơ, vô cơ, tái chế, cộng thêm thói quen tiện lợi nên mặc sức cộng dồn vào một túi. Bà Trần Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: Phân loại rác tại nguồn, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ là một trong những nội dung của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Nhưng ở khu vực nông thôn việc kêu gọi người dân tự phân loại rác tại nguồn vẫn chưa đạt hiệu quả đáng kể. Nhiều hội viên dẫn lý do đã nỗ lực trong việc phân loại rác, nhưng nhiều khi xe thu gom lại dồn chung một nơi, nên thấy việc phân loại tại nhà không còn nhiều ý nghĩa.

tp.-don-vsmt.-2019.jpg
Hội viên phụ nữ dọn rác tại bãi biển.

Bà Lê Thị Thanh Vân – Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) cho biết thêm: Quy định này sớm muộn cũng phải thực hiện nhưng việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen, muốn thay đổi cần có sự tuyên truyền tới từng người dân thông qua các cán bộ cơ sở. Nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được các loại rác và từng loại thì bỏ vào đâu...

Từ nhiều luồng ý kiến bày tỏ lo ngại việc người dân, hộ gia đình sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm trên. Mới đây đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, ngày 25/8 là thời điểm nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật “cho” thời gian 3 năm để triển khai áp dụng chế tài trên. Như vậy, đến ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vì thế, để luật đi vào đời sống, tận dụng “lộ trình”, ngay từ bây giờ ngành chức năng cần phải tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể cách làm hoặc triển khai một số mô hình thí điểm tốt để người dân biết, cùng nhau thực hiện. Đặc biệt, đã đến lúc cần trang bị các loại thùng chứa rác hợp chuẩn sau phân loại tại các khu dân cư, với ít nhất 3 thùng chứa loại lớn với 3 màu khác nhau để phân biệt rác sinh hoạt, rác nguy hại, rác tái chế. Thay đổi dần thói quen của người dân đến khi chế tài chính thức được áp dụng sẽ vừa được lòng dân, công nhân vệ sinh bớt vất vả, môi trường cũng dần trong lành hơn.

Thục Anh