Luôn sẵn sàng “cuộc chiến” chống lại bệnh tật

Đời sống - Ngày đăng : 05:43, 03/08/2022

30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, hệ thống y tế Bình Thuận vượt qua nhiều khó khăn, đáp ứng ngày càng tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Khang trang hơn

Sau khi tái lập tỉnh, ngành y tế Bình Thuận xuất phát từ sự thiếu thốn trang thiết bị, nhân lực y, bác sĩ vừa thiếu vừa yếu chuyên môn, xuống cấp về cơ sở hạ tầng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư, kết hợp cùng sự nỗ lực của toàn ngành y tế tỉnh. Năm 1992 tổng số cán bộ ngành y tế là 2.052 người. Tỷ lệ trạm y tế xã, phường có bác sĩ chiếm chỉ 3,6%. Đến năm 2022, số cán bộ y tế là 4.770 người, đạt 7,9 bác sĩ/vạn dân, với 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, 7 trung tâm y tế tuyến huyện có 2 chức năng gồm điều trị và dự phòng, 112 trạm y tế xã (bác sĩ ở trạm y tế đạt 100%) và 12 phòng khám đa khoa khu vực, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khác đang hoạt động… Trong đó, Bệnh viện đa khoa An Phước và Bệnh viện đa khoa Tâm Phúc không ngừng được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, ứng dụng kỹ thuật và điều trị các bệnh về nội khoa, ngoại khoa, sản, phụ khoa.

202208010229351.jpeg
Đặt máy tạo nhịp tim tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Cơ sở vật chất khang trang, các khoa phòng, khu khám bệnh phục vụ người bệnh được trang bị hệ thống bấm số tự động và phân luồng bệnh nhân đến các phòng khám, mua sắm mới bàn ghế khám bệnh, ghế chờ, nước uống, đảm bảo thoáng mát, thuận tiện cho bệnh nhân. Hàng loạt trang thiết bị y tế hiện đại đảm bảo danh mục phân tuyến kỹ thuật đạt 80% danh mục thiết bị theo quy định của Bộ Y tế, nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Hệ thống cung ứng thuốc tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ, tạo hệ thống cung ứng rộng, giúp người dân vùng nông thôn, vùng xa có thể mua thuốc dễ dàng, không phải đi xa và tránh tình trạng độc quyền trong cung ứng thuốc. Trở lại thời điểm năm 1992, cơ sở vật chất trạm y tế xã, phường chưa khang trang; trang thiết bị y tế gồm ống nghe, máy đo huyết áp, một số dụng cụ đơn giản để băng bó vết thương và một số thuốc thông thường.

Song hành cùng sự phát triển của y tế, là sự phát triển hệ thống giao thông giữa vùng cao và đồng bằng tạo sự thuận lợi trong việc cấp cứu người dân ở vùng cao, vùng xa. Xe cấp cứu đưa bệnh nhân trở nặng, ca sản phụ khó đến tận nơi chuyển tuyến kịp thời, tận dụng “giờ vàng” cứu sống bệnh nhân. Nhớ lại thời điểm sau khi vừa tái lập tỉnh, người dân xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) có bệnh trở nặng, xe min-khơ là phương tiện tốt nhất chở bệnh nhân vượt đèo, vượt sông Gio, sông Bà Bích (chưa có cầu qua sông). Tuy nhiên, gặp trời mưa, nước dâng cao không thể chuyển bệnh nhân vượt sông kịp thời. Nguy cơ bệnh nhân tử vong là chuyện không tránh khỏi.

Sự bứt phá rõ nét

Với nguồn nhân lực cán bộ y tế, mỗi năm đều tăng về số lượng lẫn chất lượng, được đào tạo sau đại học và các đợt tập huấn ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân; hạn chế chuyển tuyến trên, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân trong quá trình điều trị. Người dân ngày càng tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tư nhân chung tay cùng hệ thống y tế công lập; hàng năm cấp cứu và khám chữa bệnh cho khoảng 3 triệu lượt người bệnh, phẫu thuật cho khoảng 100.000 lượt người bệnh.

z3612789051319_6b3fde86dc9a9bf26476b3c37cf4858a.jpg

Các trung tâm y tế tuyến huyện hiện được trang bị một số máy móc hiện đại, như máy siêu âm, máy nội soi, điện tim, chụp X-quang kỹ thuật số. Nhiều loại bệnh trước đây phải lên tuyến trên, nay được chữa trị ngay tại trung tâm y tế tuyến huyện như mổ ruột thừa, chạy thận nhân tạo, mổ cấp cứu lấy thai… không phải chuyển tuyến như thời điểm của 20 - 30 năm trước. Các trạm y tế tuyến xã cũng được đầu tư máy siêu âm, điện tim, đo đường huyết, xét nghiệm. Một số bệnh được điều trị tại trạm y tế như viêm phổi, bệnh tai - mũi - họng, cơ xương khớp thông thường, chăm sóc phục hồi chức năng cơ bản… 100% sản phụ đến với y tế.

Riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận được ví như “cánh chim đầu đàn” trong ngành y tế của tỉnh, thực kê hiện nay 990 giường bệnh; không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật mới, được các bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao các gói kỹ thuật mới, tiên tiến như MRI, CT Scan, phẫu thuật nội soi, thay khớp háng toàn phần, siêu âm chẩn đoán, tán sỏi ngoài cơ thể… Cũng là tuyến cuối của tỉnh - nơi tiếp nhận các ca cấp cứu “thập tử nhất sinh”, ca bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Mới đây, bệnh nhân đứt bán phần động mạch cảnh ở Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), bệnh nhân đứt động mạch đùi, bệnh nhân có vết thương tim…nhập viện trong tình trạng mạch, huyết áp bằng không. Tuyến dưới sơ cấp cứu đúng kỹ thuật, chuyển tuyến kịp thời, nên ê kíp bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận nối động mạch thành công, cứu sống bệnh nhân. Nếu thời điểm của 15 - 20 năm trước, các trường hợp này phải chuyển tuyến (do thiếu thiết bị phẫu thuật, thiếu chuyên môn cao), nguy cơ tử vong cao trên đường hoặc cứu sống được để lại di chứng nặng.

Giữ vững “hàng rào” dự phòng

Cùng với hệ điều trị, hệ y tế dự phòng từ tuyến xã cho đến tuyến tỉnh tăng cường công tác giám sát, kiểm tra phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra, các ca bệnh được quản lý chặt chẽ, cập nhật kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch. Bình Thuận trải qua 4 dợt dịch Covid-19, nhưng công tác phòng dịch bảo đảm sự thích ứng an toàn, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống cùng cả nước hiện nay kiểm soát, khống chế tốt. Kết hợp chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đảm bảo không bỏ sót người tiêm chủng; tăng tỷ lệ bao phủ cho người dân. Vì vậy, cuộc sống sinh hoạt của người dân hiện nay trở lại bình thường, góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, ổn định xã hội. Còn các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng không để xảy ra dịch lớn, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, zika, ebola…

Hoạt động có hiệu quả công tác tiêm chủng sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin trong chương trình. Bệnh nhân phong, bệnh nhân lao, HIV/AIDS đều được tích cực hỗ trợ điều trị. Nếu như 30 năm trước, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các xã như Mỹ Thạnh, Hàm Cần (Hàm Thuận Nam), Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền (Bắc Bình) khoảng 20% trở lên. Và bệnh sốt rét ở những xã này luôn là “điểm nóng”. Đến nay, các tỷ lệ này chỉ luôn ở mức 1 con số.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Suốt chiều dài 30 năm qua, ngành y tế Bình Thuận vượt qua nhiều khó khăn, từng bước cải thiện nhiều khía cạnh. Từ đó, mạng lưới y tế tỉnh phát triển cả về quy mô và chất lượng, đặc biệt dịch vụ kỹ thuật cao ngày càng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hướng mục tiêu phát triển bền vững, ngành y tế sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật chuyên môn sâu; luôn trong tâm thế sẵn sàng với “cuộc chiến” chống lại bệnh tật.

Trang Hiếu