Sức bật của vùng đất đầy nắng gió Tuy Phong

Kinh tế - Ngày đăng : 05:30, 04/08/2022

Nằm ở phía bắc của tỉnh Bình Thuận, tuy thời tiết khắc nghiệt, thừa nắng thiếu mưa, nhưng huyện Tuy Phong may mắn được thiên nhiên ban tặng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá. Những tiềm năng, lợi thế này là cơ hội lớn để huyện đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

Biến bất lợi thành lợi thế

Dọc theo quốc lộ 1A đi về phía bắc Tuy Phong, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất trước đây chỉ có nắng, gió và khô hạn. Những vùng đất cằn cỗi, bỏ hoang chạy dài với những dãy xương rồng già nua xơ xác… giờ đã thay thế bằng những trang trại điện mặt trời, những dự án điện gió với những cánh quạt gió khổng lồ quay suốt ngày đêm. Lùi về nhiều năm trước, không ai ngờ vùng đất đầy nắng gió này lại là vị trí đắc địa để xây dựng các dự án năng lượng sạch như bây giờ. Bên cạnh đó, là sự đồ sộ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân - một trong những trung tâm nhiệt điện lớn của cả nước. Tất cả đã tạo dấu ấn đặc biệt tại vùng đất vốn nghèo khó này, không chỉ hình thành một ngành công nghiệp điện rõ mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nói riêng và của cả tỉnh nói chung; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân trong vùng.

dien-gio-o-tuy-phong-anh-nl-1-.jpg
Dự án Điện gió ở Tuy Phong. Ảnh: N.Lân

Chính sự xuất hiện ngành công nghiệp điện như trên đã góp phần quyết định đưa Tuy Phong từ một huyện nghèo, có điểm xuất phát thấp với quy mô nền kinh tế và các ngành sản xuất còn nhỏ bé, thành huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Đó là dấu ấn qua 30 năm xây dựng và phát triển mà với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, Tuy Phong còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ cho đến thu ngân sách địa phương. Tuy Phong được xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Nhiều công trình trọng điểm cấp tỉnh, cấp quốc gia được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện như: Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, các công trình thủy lợi như Sông Lòng Sông, Đá Bạc, Phan Dũng... đã tạo cơ hội cho huyện phát triển kinh tế - xã hội, có sự chuyển mình trong dịch vụ, du lịch trong tương lai. Đặc biệt, trước khi tái lập tỉnh, Tuy Phong từ vùng chưa có điện lưới quốc gia đến nay đã trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp rất lớn vào GRDP và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

ho-thuy-loi-long-song-tuy-phong-anh-nl-3-.jpg
Hồ Sông Lòng Sông. Ảnh: N.Lân

Bức tranh kinh tế - xã hội đa sắc

Không chỉ có thế mạnh về kinh tế, vùng đất khô cằn này còn được nhiều người đánh giá có nét duyên ngầm khi nhiều lần ghé thăm và chứng kiến sự chuyển mình một cách sinh động đầy màu sắc. Tuy Phong có đường bờ biển dài gần 50 km, cảnh quan tươi đẹp, thời tiết ít mưa, nhiều nắng, thích hợp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và thể thao biển. Năm 2010, cầu Sông Lũy nối 2 bờ Hòa Phú (cũ) và thị trấn Phan Rí Cửa hoàn thành, đưa vào sử dụng đã thỏa ước mơ ngàn đời của người dân 2 bên bờ sông Lũy. Cầu được áp dụng công nghệ tiên tiến, lần đầu tiên áp dụng vào thi công ở tỉnh Bình Thuận giúp cho xã Hòa Phú (nay là thị trấn Phan Rí Cửa) không còn là một “ốc đảo”, người dân rất đỗi tự hào và giải quyết thông thương tuyến giao thông ven biển của tỉnh. Cây cầu đi vào hoạt động đã góp phần tích cực trong phát triển du lịch của cụm du lịch Hòa Thắng – Hòa Phú nói riêng và của cả tỉnh Bình Thuận nói chung.

khu-neo-dau-tau-thuyen-lien-huong-tuy-phong-anh-nl-2-.jpg
Tuy Phong sở hữu lượng tàu thuyền khá lớn. Ảnh: Ngọc Lân

Cộng thêm, thời tiết, khí hậu và nguồn nước nơi đây còn được đánh giá là nơi hiếm có để phát triển nuôi trồng thủy sản, nổi bật là nuôi tôm giống. Hiện nay, thương hiệu tôm giống Tuy Phong đã được khẳng định và nổi tiếng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, Tuy Phong còn sở hữu lượng tàu thuyền khá lớn khoảng 2.000 chiếc, sản lượng đánh bắt bình quân gần 55.000 tấn/năm với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho lĩnh vực chế biến. Đồng thời, Tuy Phong còn có tiềm năng phát triển ngành đóng tàu thuyền phục vụ ngư dân trong huyện và các địa phương lân cận. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội nhanh, đã tạo cho Tuy Phong tiềm năng phát triển thương mại dịch vụ lớn, thuận lợi cho việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn.

khu-du-lich-binh-thanh-tuy-phong-anh-nl-.jpg
Khu du lịch Cổ Thạch - xã Bình Thạnh. Ảnh: Ngọc Lân

Tuy vẫn còn những khó khăn, nhưng với điểm xuất phát thấp từ những ngày đầu thành lập huyện, đến nay người dân Tuy Phong có thể tự hào với những gì huyện nhà đang có. Bức tranh kinh tế - xã hội của huyện đã có những mảng màu tươi sáng, đời sống người dân khấm khá hơn. Với sự chuyển mình tích cực qua từng năm, vùng đất nắng gió chứng minh sức bật mạnh mẽ này đã góp phần quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội theo đề ra.

Minh Vân