Người nông dân với khát vọng làm giàu chính đáng

Kinh tế - Ngày đăng : 09:42, 04/08/2022

Vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đó là anh Trương Hoài Phong - thôn Ba Đăng, xã Tân Hải, thị xã La Gi.

Có mặt tại thời điểm gia đình anh đang xuất bán ao cá lóc bông, trong không khí làm việc tất bật của bên thương lái, hàng tấn cá đang được thu hoạch, với giá bán gần 60 ngàn đồng/ký.  Chúng tôi cảm nhận niềm vui  gặt hái thành quả từ sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng của anh Phong.

1.jpg

Sở hữu 3 hồ nuôi cá lóc bông gần 1 hecta diện tích, trước đây trồng thêm 2 hecta thanh long, kết hợp với dịch vụ thu mua hải sản, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh Phong có mức thu nhập tổng cộng khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.

Để có được thu nhập cao như thế khi mà khởi đầu chỉ với hai bàn tay trắng, cũng đủ thấy hành trình đến thành quả của ngày hôm nay đối với hai vợ chồng thật chẳng mấy dễ dàng. Chồng từ quê Bình Định, vợ ở đất Quảng Trị vào La Gi lập nghiệp. Lúc đầu, cả hai đã có khoảng thời gian dài bươn chải đủ nghề để có tiền sinh sống, bám trụ nơi đất khách. Ấy vậy mà với tinh thần cầu tiến và chịu khó học hỏi, cộng với nguồn vốn tích luỹ, anh dần mua đất và mở rộng diện tích canh tác. Đến nay sở hữu gần 8 hecta.

2(1).jpg

Ban đầu hai vợ chồng anh Phong thu mua hải sản, nhận thấy lợi thế từ nguồn cá tạp, lấy được tận gốc nên giá cả phải chăng. Qua suy nghĩ, tìm tòi và khảo sát các mô hình thực tế, anh quyết định đầu tư nuôi cá lốc bông để tận dụng thức ăn từ nguồn hải sản thu mua. Bén duyên với loại con nuôi này từ năm 2005, đến nay đã qua 17 năm, anh càng đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm và nhận thấy lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Cá lóc bông từ khi thả giống, nuôi trong vòng 7 tháng thì có thể xuất bán. Sau xuất bán anh dành khoảng 20 ngày đến 1 tháng để xử lý ao hồ, diệt trừ nấm bệnh, trước khi thả nuôi lứa mới. Việc nuôi cá, anh luân phiên giữa các hồ. Mỗi năm, từ 3 hồ, gia đình xuất bán từ 120 đến 150 tấn cá. Mỗi hồ bình quân lợi nhuận từ 500 đến 600  triệu đồng mỗi lứa. Đó là chưa kể khi thời giá tốt, nguồn lãi có thể mang lại đến 1 tỷ đồng/hồ.

Theo anh Phong, kỹ thuật nuôi cá lóc bông quan trọng nhất là khâu vệ sinh ao hồ, môi trường nước định kỳ sẽ tiến hành diệt khuẩn, xử lý đáy nhằm đảm bảo độ pH, lượng oxy và quy trình chăm sóc cá tuỳ vào độ tuổi. Việc nuôi ít rủi ro, do chúng có sức chịu đựng tốt. Tuy nhiên, chi phí thức ăn khá lớn. Vì chúng ăn 100% cá tươi. Tuỳ vào độ tuổi của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn tăng dần. Khi cho ăn, người nuôi phải kiểm soát được lượng mồi. Để không tồn dư, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cá. Với cá trưởng thành, 1 hồ, ngày anh cho ăn đến 2 tấn cá tươi. Cá đạt trọng lượng từ trên 1 ký thì có thể xuất bán. Tuỳ vào thời giá mà có thể chọn thời điểm bán thích hợp để tăng nguồn thu nhập. Thương lái thu mua đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Cá lốc bông của anh Phong luôn có đầu ra ổn định. Tuỳ vào nhu cầu mà bạn hàng có thể bắt và vận chuyển cá sống bằng cách thả nước bơm oxy hoặc sơ chế ngay tại khu vực nuôi.

3.jpg

Việc nuôi cá lóc bông mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, một người xem làm việc là đam mê như anh thì không dừng lại ở đó. Với vườn thanh long đã lớn tuổi và nhận thấy thời giá bấp bênh, anh vừa mạnh dạn phá bỏ để thay bằng 2 hecta giống bơ 34 và đang tìm hiểu, dự kiến đầu tư trồng thêm 3 hecta vú sữa Hoàng Kim và cây mai, trong thời gian sắp tới. Anh Phong cho biết “Nhờ tận dụng nguồn phân dinh dưỡng do cá thải ra bón cho các loại cây trồng mà cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hơn nữa còn giúp anh tiết kiệm được nguồn chi phí đầu tư đáng kể”.

Hiện, anh có 2 người con đang học đại học và con út chuẩn bị bước vào lớp 12. Sở hữu cơ ngơi khang trang, với một tổ ấm đủ đầy, anh Phong và vợ vẫn hăng say lao động. Không những làm giàu cho bản thân, gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm cho 08 lao động thường xuyên và 10 lao động theo mùa vụ với mức thu nhập khá. Bên cạnh, gia đình anh Phong còn tham gia tích cực các phong trào tại địa phương và giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn cùng vươn lên phát triển kinh tế.

Không sinh ra và lớn lên ở La Gi, nhưng anh đã chọn nơi này là điểm đến để “an cư, lạc nghiệp”. Và cũng chính trên mảnh đất mà anh Trương Hoài Phong xem là quê hương thứ hai, thành công đã rộ nở với người nông dân luôn tâm huyết làm giàu chính đáng.

Trúc My