Một ngày của học viên Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:45, 05/08/2022
Về ngôi trường này, tác giả Võ Ngọc Văn đã có bài viết khá chi tiết đăng trên Bình Thuận cuối tuần ngày 10/6/2022. Qua tìm đọc lại một vài số báo xuất bản trong những năm 1941-1942(2), chúng tôi xin được bổ sung thêm một số tư liệu về “trung tâm huấn luyện” thể dục thể thao này.
1. Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương được xây dựng trên một đồi cao khoảng 50 m, cách trung tâm thành phố độ 3 cây số, thuộc địa bàn ngày nay ta gọi là Căng ÉSÉPIC.
Sở dĩ, người Pháp chọn nơi này để xây trường là do địa hình cao ráo, có cây cối xanh mát và gió lộng quanh năm. Với diện tích 20 mẫu, trường chia ra làm 2 khu. Khu nhỏ là những ngôi nhà tranh hình cánh cung, ở giữa có cột cờ; khu này có nhà làm việc cho giáo sư, nơi học tập (lý thuyết) và chỗ ăn ở của học viên. Khu lớn dành để học thực hành, tập luyện các môn thể thao.
Tính đến tháng 6/1942, Giám đốc của trường là ông Moreau – một đại úy hải quân (giám đốc đầu tiên là thiếu tá Sergent). Ông này được nhận xét là một người “vui vẻ, luôn nở nụ cười trên môi”. Giáo sư khoa sư phạm thể thao và luân lý là ông đại úy lục quân tên Grolleau, ông 50 tuổi và được đồng nghiệp đánh giá là “một nhà thể thao lão luyện”. Phụ trách khoa sinh lý, giải phẫu, chăm sóc sức khỏe cho học viên có ông Barada và khoảng 20 giáo sư khác người Pháp và Việt Nam đều có cả.
Mục đích của trường là đào tạo các huấn luyện viên lành nghề, theo cách nói ngày nay là bồi dưỡng nghiệp vụ, trong thời gian từ 3 - 4 tháng (tùy khóa). Trường có 200 học viên (khóa đầu ngày 9/11/1941 có 180) là người Việt Nam, Campuchia, Lào, Pháp và có cả người Tàu (Quảng Đông) nữa.
Để được theo học, học viên phải trong độ tuổi từ 18 - 28. Về trình độ, học viên người Pháp phải có trình độ ngang với tiểu học của Pháp, chiều cao cân nặng tối thiểu là 1,85 m, nặng 60 kg đối với người Đông Dương trình độ phải đạt cao đẳng tiểu học (tức bằng Thành chung), chiều cao cân nặng tối thiểu là 1,58 m, nặng 52 kg. Các học viên cùng trải qua một kỳ thi và phải đạt thành tích chạy 100 m trong 60 giây, 500 m 1 phút 50; nhảy cao 1 m, nhảy xa 4 m, leo dây 3 m, ném tạ 7,253 kg 5 m(3).
Sau khi trúng tuyển, học viên phải nộp đủ các giấy tờ, bao gồm: bằng thể thao, bản sao khai sinh, bản sao tư pháp lý lịch và giấy chứng nhận hạnh kiểm. Căn cứ kết quả kiểm tra, trường tiến hành phân chia thành 5 ban: vận động, ban khỏe, ban trên, ban giữa và ban yếu. Ngoài 5 ban này có thêm 1 ban thứ 6 là ban quan lại.
Tất cả các học viên đều bắt buộc phải ăn ở trong trường. Chi phí tàu xe đi lại và ở của học viên được miễn phí, còn tiền cơm phải đóng cho trường (người Đông Dương 15 đồng, người Pháp 70 đồng). Về chỗ ở, trường sắp xếp theo ban, mỗi ban là 1 dãy nhà tranh, trong đó có đầy đủ các vật dụng thiết yếu: giường tre, mùng, mền… Chỉ mỗi nước sinh hoạt là thiếu vì phải chở từ thành phố tới trên những chiếc xe bò. Sau này thì đỡ hơn vì nhà trường đã lắp máy bơm nước, nhờ đó học viên có nước để tắm thoải mái sau những giờ tập luyện vất vả.
2. Từ 5 giờ 30 sáng học viên phải thức dậy khi nghe một hồi kèn dài, sau khi làm vệ sinh cá nhân thì 6 giờ phải tập trung để làm lễ chào cờ. Xong lễ chào cờ là lúc vận động theo các môn tùy thích. Trong khi tập thể dục, học viên được các giáo sư chỉ dẫn trực tiếp trên sân tập, việc này diễn ra trong khoảng từ 7 - 8 giờ.
Học viên có 15 phút ăn lót dạ buổi sáng, từ 8 giờ 15 đến 9 giờ 45 thì tham gia lao động công ích, như sửa sang vườn trường, sân vận động mục đích giúp học viên làm quen với công việc lao động.
Sau thời gian này học viên lên giảng đường để nghe các giáo sư giảng về khoa giải phẫu, khoa sinh lý, khoa sư phạm thể thao hoặc khoa luân lý. Đến 10 giờ 45 các học viên rời giảng đường, đi nhận thư từ, báo chí gửi đến, rồi ăn cơm và ngủ trưa cho tới 14 giờ 30.
Buổi tập luyện chiều chia làm 2 phần, một phần tập các môn điền kinh: ném tạ, ném đĩa, phóng lao, nhảy cao, nhảy xa và một phần tập bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và bóng bầu dục. Riêng môn bơi lội thì học viên phải tập trên sông hoặc biển. Đến 5 giờ chiều, sau khi nghe một hồi kèn, học viên lại tập trung dưới cờ để nghe dặn dò và phổ biến chương trình học ngày hôm sau, rồi làm lễ chào cờ và ăn cơm tối.
Sau khi cơm nước xong, các học viên về phòng sinh hoạt riêng, có nhóm thì nói chuyện, người thì viết thư về cho bạn bè, người yêu, vợ con… cũng có trường hợp nằm nghỉ tại chỗ, ai siêng hơn thì ôn lại bài cũ. Khi có kèn hiệu thì tất cả các khu đều tắt đèn, “mọi người buông màn xuống ngủ, một giấc ngủ êm đềm dưới ngọn gió biển mát dịu”.
Mỗi tuần học viên được nghỉ phép để ra ngoài vào các chiều thứ 5, thứ 7 và phải quay về trường trước 10 giờ tối. Riêng chủ nhật thì được nghỉ cả ngày và có thể “over night”.
Những ngày nghỉ, học viên đa phần vô Phan Thiết mua sắm, đi xem phim, xem hát. Hoặc tổ chức thành đoàn để thăm các di tích thắng cảnh, tổ chức giao lưu đá banh. Cũng có thể tổ chức đốt lửa trại, liên hoan ngay tại trường…
Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương có một kỷ luật rất là nghiêm khắc. Học viên nếu vi phạm nhẹ thì bị các giáo sư phạt chạy vòng sân hoặc tiếp tục tập luyện dù giờ học đã tan. Nặng thì bị ông giám đốc ra quyết định đuổi học; dù kỷ luật nghiêm như thế nhưng tình thầy – trò vẫn nguyên vẹn. Trước khi mãn khóa, học viên cũng tổ chức những buổi chia tay với các giáo sư từng dạy mình, rất cảm động và ấm áp tình thầy trò, bằng hữu.
Trong thời gian theo học hoặc sau khi tốt nghiệp, học viên còn được nhà trường tổ chức đi thi đấu, biểu diễn ở các nơi như: Huế, Sài Gòn, Hà Nội…
3. Dẫu biết Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương được người Pháp lập nên để phục vụ cho công cuộc thực dân của họ. Xong, nếu bỏ qua các yếu tố chính trị thì không hẳn là không có điều tích cực ta có thể học tập như: Cách thức tổ chức, phương pháp huấn luyện, hay tổ chức các giải đấu… Cùng với đó, là nhiều môn thể thao mới/hiện đại cũng được du nhập vào nước ta, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao trong nhân dân. Hôm nay đọc lại lịch sử Trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương xưa chúng tôi không khỏi nghĩ về một trung tâm thể dục thể thao kết hợp du lịch biển tại Phan Thiết mình trong tương lai.
(1): Theo những thông tin mà chúng tôi đọc được trên các tờ báo đương thời thì trường đi vào hoạt động đầu tháng 9/1941 (trước ngày 9). (2): Các tờ báo sau: Tràng An: các số 842 (ra ngày 8/9/1941), 843 (9/9/1941), 903 (20/11/1941), 921 (13/12/1941). Tin mới: số 610 (ra ngày 5/12/1941). Sports Jeunesse d'Indochine (Thể thao Thanh niên Đông Dương): các số 2 (tháng 1/1942), số 23 và 24 (tháng 6/1942). Sài Gòn: số 16580 (ra ngày 7/3/1944). (3): Mỗi khóa có sự điều chỉnh ít nhiều về điều kiện được nhận vào học cả về thể lực, kết quả thi và thời gian đào tạo.