Giã cào bay - bao giờ cho hết nỗi lo?
Kinh tế - Ngày đăng : 10:46, 16/04/2018
Đánh bắt giã cào bay trên vùng biển Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa |
Ông Trương Văn Toàn, ngụ khu phố 3, phường Bình Hưng cho biết, ghe thuyền Phan Thiết không có chỗ neo đậu để bốc dỡ cá và tiếp nhiên liệu do mặt bằng tại Cảng cá Phan Thiết đã cho doanh nghiệp tư nhân thuê. Sớm giải quyết hỗ trợ tiền xăng dầu cho bà con ngư dân theo Nghị định 48 của Chính phủ. Liên quan đến vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Toàn đề nghị cần kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp khai thác trái phép như nạn giã cào bay, đánh bắt bằng chất nổ, xung điện… Tương tự, ông Phạm Toàn ở khu phố 4, phường Lạc Đạo cũng cho biết thêm, giã cào bay hoạt động trái tuyến làm hủy hoại môi trường biển, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Lực lượng kiểm ngư thiếu và yếu, không đủ sức răn đe. “Chúng ta tuyên truyền cấm, thì chúng tôi biết là cấm nhưng tàu giã cào bay ở Vũng Tàu, Kiên Giang thì cứ hoành hành, tôi làm nghề lưới rê mà mấy năm nay rê không nổi. Thậm chí, gặp những tàu giã cào bay, tụi nó bằng tuổi con cháu mình, phải gọi bằng anh, nhưng vẫn trơ trơ, cào cào là thôi, chả nể nang gì cả”- ông Nguyễn Văn Nhận chia sẻ.
Không chỉ lo sợ trước vấn nạn giã cào bay, hiện tại bà con ngư dân cũng đang đối mặt với những khó khăn khác. Ngoài ra, những người hành nghề giã cào đơn trước năm 2017, một số thuyền máy công suất nhỏ bị hư, sửa máy lại nhưng không được đăng kiểm, vì “vướng” chủ trương. “Gia đình tôi cả một đời làm biển, giờ không được đăng kiểm, không hành nghề được, chúng tôi phải làm gì đây” - bà Văn Thị Công Hoàng chia sẻ. Trong khi đó, thủ tục đăng kiểm mỗi năm mỗi khác, thậm chí có những giấy tờ chẳng liên quan đến nghề nghiệp cũng buộc phải có, ví dụ như giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng “chúng tôi là ngư dân làm nghề đánh bắt, không chế biến thì giấy tờ đó liệu có cần thiết không” - ông Nguyễn Văn Cường ngụ khu phố 3, Đức Thắng, cho biết. Mỗi lần làm thủ tục giấy tờ là mỗi lần tốn kém ít nhất 1 - 2 triệu đồng.
Ông Đặng Thích Hải (phường Mũi Né) còn chia sẻ: Đâu cho xa, chỉ cách Mũi Né 1 hải lý chúng đã cào tan tành hết. Đề nghị lực lượng kiểm ngư, Chi cục Thủy sản cứu lấy ngư dân Bình Thuận. Trên thực tế, lâu nay các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đều có biện pháp để quản lý chặt nhưng rõ ràng lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng kiểm ngư bảo vệ ngư dân và nguồn lợi thủy sản còn quá thiếu.
Trao đổi về vấn đề bức xúc của ngư dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành thủy sản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Phạm Văn Nam cho rằng để đưa ngành thủy sản phát triển bền vững, mang lại lợi ích tối đa cho bà con ngư dân khi hành nghề trên biển ngoài sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương thì bà con ngư dân cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đoàn kết giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, trước mắt ngư dân phải tuân thủ những quy định của Nhà nước khi hành nghề khai thác thủy sản. Vấn đề giã cào bay không phải một sớm một chiều mà giải quyết được. UBND tỉnh sẽ hết sức tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan đến thủy sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra để giám sát các hoạt động khai thác trên biển.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Cảnh nhấn mạnh: Liên quan đến nghề giã cào bay hoạt động trái tuyến, tình trạng đánh bắt bằng chất nổ… hủy hoại môi trường và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây xung đột với các ngành nghề khai thác khác, ông đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan phải rà soát xử lý triệt để nghề giã cào bay hoạt động trái tuyến, có biện pháp quyết liệt hơn nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng này. Rà soát lại các thủ tục hành chính trong đăng kiểm tàu cá, việc chuyển đổi ngành nghề khai thác… phù hợp theo hướng đảm bảo quyền lợi cho bà con. Liên quan đến đề nghị sắp xếp lại cầu cảng tại các khu neo đậu, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương kiểm tra để có hướng xử lý cho phù hợp. |
Quang Nhân