Chuyển đổi số cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải
Chính trị - Ngày đăng : 15:04, 08/08/2022
Dự tại điểm cầu Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Bám sát chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác chuyển đổi số được các thành viên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thực hiện khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2022.
Các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng đặt ra đều nỗ lực hoàn thành. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27%. Các đề án lớn liên quan đến chuyển đổi số được các thành viên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thực hiện đạt kết quả tốt.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn “lõm sóng” viễn thông. Về nền tảng số, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số…
Tại Bình Thuận, 6 tháng đầu năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành và địa phương chủ động tham mưu và tổ chức triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kịp thời kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các sở ngành và địa phương. Hạ tầng số được các doanh nghiệp viễn thông, các sở ngành và địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đến nay, hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định đã phủ đến 100% xã/phường/thị trấn; các sở ngành và địa phương tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng nội bộ, trang thiết bị công nghệ thông tin.
Đối với dữ liệu công dân số bước đầu được hình thành tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới. Nền tảng số đã được đầu tư, các sở, ngành và địa phương tiếp tục hoàn thiện và khai thác sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn, phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với cải cách hành chính…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Hiện nay, tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Với tầm quan trọng đó, chuyển đổi số hiện nay là vấn đề bức thiết mà các cấp, các ngành phải nỗ lực thực hiện tốt để hội nhập, phát triển. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lưu ý: Các thành viên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thời gian tới không chỉ triển khai đồng bộ, toàn diện về công tác chuyển đổi số mà còn phải đi vào trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển bền vững.