Đề án 06 góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Chính trị - Ngày đăng : 15:31, 09/08/2022

BTO - Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).

Dự tại điểm cầu Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai  dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội.

img_20220809_095854.jpg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Tại Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh đã chủ trì, tổ chức Hội nghị trực tuyến đến các Tổ công tác cấp huyện, cấp xã để triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh theo lộ trình. Tổng số dịch vụ công trực tuyến tính của tỉnh được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia tính đến ngày 15/6/2022 là 503 dịch vụ; trong đó mức độ 3 là 242 dịch vụ; mức độ 4 là 261 dịch vụ.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận kết quả và biểu dương những nỗ lực, cố gắng, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng như vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Chính phủ, Đề án nhằm triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách thiết thực, hiệu quả, trong đó có thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số, công dân số; đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên cơ sở lấy người dân là trung tâm, là động lực, là mục tiêu và là chủ thể của sự phát triển. 

20220809071105_img_4917.jpg

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khi nhiều lãnh đạo các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho triển khai Đề án 06 nói riêng và công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp phải xác định tầm quan trọng và quyết tâm chỉ đạo quyết liệt đề án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đây là đề án của cả hệ thống chính trị, của người dân, của doanh nghiệp, do Bộ Công an chủ trì làm nòng cốt, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, địa phương để triển khai, tất cả phải hướng đến mục tiêu là lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp về sau. Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai CSDLQG về dân cư, để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến. Trước hết, quán triệt và vận động đến từng đảng viên, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang tại địa phương thực hiện và vận động người thân, gia đình hưởng ứng thực hiện, "cán bộ đi trước, làng nước theo sau".

Nguyễn Luân