Theo dõi trên

Sản phẩm của bước đi khởi nghiệp

17/01/2022, 06:17

BT- Họ là những người năng động, nhiệt huyết, tìm tòi sáng tạo để dần dần đưa sản phẩm mới của mình vào khởi nghiệp, cọ xát thị trường, từng bước phục vụ nhu cầu đời sống - xã hội.

Giải pháp của họ đã được vinh danh tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021 vừa qua, và vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

san-pham-2-.jpg
Mô hình chế biến thanh long đỏ lên men.

Đó là “Mô hình chế biến thanh long đỏ lên men” của anh Nguyễn Trường An, cơ sở thu mua, chế biến thanh long lên men An Huy, phường Tân Thiện, thị xã La Gi. Sản phẩm nước ép thanh long của anh An được pha chế lên men tự nhiên, phảng phất mùi ga nhẹ, uống với đá lạnh có vị ngọt ngọt, chua chua, phù hợp sở thích nhiều bạn trẻ, sinh viên, học sinh vào ngày nắng nóng, hay liên hoan cùng người thân, bạn bè. Hiện cơ sở cũng đã tiêu thụ hơn 200 lít nước ép thanh long đóng chai mỗi tháng trong, ngoài tỉnh. Hoạt động chế biến đã góp phần thu mua thanh long đang dôi dư trong vùng, tạo việc làm cho một số đoàn viên thanh niên ở địa phương có thu nhập ổn định. Sản phẩm cũng được xem như đặc sản địa phương dành cho du khách trong, ngoài tỉnh khi tới tham quan, du lịch vùng đất ven biển thị xã La Gi… Còn “Kim chi hoa thanh long” của nhóm bạn trẻ ngụ ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh có gốc gác ở Bình Thuận đã dùng búp hoa thanh long tươi quê nhà được thu hoạch trước khi nở từ 2- 5 ngày, rửa sạch, bổ sung thêm các loại rau củ như cà rốt, ớt sừng, nghệ, ớt bột, một số gia vị chế biến thành món ăn riêng biệt. Kim chi hoa thanh long là món ăn giàu dinh dưỡng, ngon miệng, dược tính tốt cho sức khỏe. Sản phẩm này đang được cơ sở của các bạn trẻ chào bán ở các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, chợ truyền thống tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, được nhiều khách hàng đến từ các nước Đông Bắc Á đón nhận. Có thể nói, các giải pháp, mô hình chế biến từ trái thanh long ruột đỏ, ruột trắng ở quê nhà đã làm phong phú, đa dạng sản phẩm trái cây lợi thế của Bình Thuận, hỗ trợ nhiều nhà vườn, trang trại trong tỉnh tiêu thụ một số sản lượng thanh long đang dư thừa hiện nay…

san-pham-1-.jpg
Thỏ sấy gác bếp.

  Trong khi đó, giải pháp “Thỏ sấy gác bếp” của anh Hồ Hữu Nghị ở xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh có nét riêng biệt, bắt mắt với mọi người. Anh Nghị chia sẻ: “Cuối năm 2018, khi giá thỏ nuôi trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, tôi đã nghĩ đến chế biến bảo quản thịt thỏ giữ lâu, phục vụ người tiêu dùng. Tôi đã tìm tòi, học hỏi qua internet, sách vở, qua vài lần thất bại để rồi chế biến hoàn hảo sản phẩm thỏ sấy gác bếp thơm ngon, hương vị núi rừng, được nhiều người trong, ngoài tỉnh ưa dùng. Sản phẩm có thể làm quà tặng cho người thân, bạn bè ở xa, bởi bảo quản được lâu ngày”. Qua đó, cơ sở của anh Nghị đã thu mua thỏ nuôi của người dân trong vùng với giá cả ổn định, hướng dẫn nghề tạo công ăn việc làm cho các đoàn viên, thanh niên ở xã Huy Khiêm. Mô hình của anh Nghị được cho hưởng ứng tích cực phong trào thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Huy Khiêm.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
BT- Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm của bước đi khởi nghiệp