Theo dõi trên

Tánh Linh: Học trực tuyến còn vô vàn khó khăn

24/11/2021, 09:56 - Lượt đọc: 48

BT- Chỉ sau 3 tuần cho học sinh cấp tiểu học, lớp lá (bậc mẫu giáo) đến trường học trực tiếp thì huyện Tánh Linh buộc phải dừng, chuyển sang học trực tuyến toàn huyện, ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, đối với một số xã là vùng núi hoặc vùng thuần đồng bào dân tộc thiểu số thì việc triển khai học trực tuyến gặp không ít rào cản, cần tháo gỡ.

Nhiều học sinh không có thiết bị học trực tuyến, được thầy cô vận động chở đến nhà học theo nhóm.

Mang chữ đến từng nhà

Nằm cách trung tâm huyện Tánh Linh khoảng 20 km, với khoảng 90% dân số là đồng bào K’ho, xã miền núi La Ngâu đã “lọt” vào danh sách là 1 trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Cái ăn, cái mặc còn phải lo nên việc sắm cho con chiếc điện thoại để học trực tuyến đối với đồng bào nơi đây là điều quá xa xỉ. Vì lẽ đó, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở xã vùng cao này chỉ chiếm khoảng 42%. Đây là số liệu mà Trường tiểu học – THCS La Ngâu duy nhất của xã vừa cập nhật, nếu cách đây vài tuần, tỷ lệ này chỉ khoảng 24%. Toàn trường có tổng 394 học sinh, trong đó, bậc THCS 117 em nhưng chỉ có 44 em tham gia học trực tuyến. Riêng bậc tiểu học là 277 em, số em tham gia học trực tuyến cũng chưa đến một nửa (chỉ có 122 em). Thực tế, chỉ khoảng 50% trong số đó đảm bảo bố trí được thiết bị và các điều kiện tham gia học trực tuyến ổn định. Lý do được nhiều phụ huynh chia sẻ là nhà có 1 thiết bị nhưng lại có tới 2 - 3 con học phổ thông nên “được anh thì mất em”. Thêm vào đó, mạng internet hoặc sóng 3G, 4G chập chờn, khiến quá trình học dễ bị gián đoạn.

Một giáo viên phụ trách lớp 2 ở trường cho biết: “Lớp tôi chủ nhiệm có 20 em thì chỉ 8 em có thiết bị tham gia học trực tuyến. 12 em còn lại phải vận động phụ huynh chở đến nhà tôi để kèm học theo nhóm. Hoặc em nào nhà xa không đến được, tôi phải đến tận nhà các em giao bài, chỉ dẫn. Học sinh lớp 2 rất dễ bị “tái mù” nếu không vừa dạy, vừa ôn liên tục. Thật sự có nhiều em chưa đọc rành, viết rành, nếu giáo viên không chịu khó mang chữ đến từng nhà thì tỷ lệ các em tái mù là rất lớn”. Bên cạnh đó, để học sinh các khối lớp 1, 2 có thể học trực tuyến được, cần phải có sự hỗ trợ rất lớn từ phụ huynh, do các em còn nhỏ, việc tiếp cận công nghệ còn khá mới mẻ. Ngay bản thân nhiều người dân trong bản, thôn còn chưa thạo, chỉ lo nương rẫy nên chuyện học hành của con cái vẫn chưa được quan tâm.

Còn cô Trương Thị Lan – giáo viên lớp 7 của trường chia sẻ thêm: “Lớp có 17 em thì hết 14 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Tuần đầu tiên học trực tuyến chỉ có 3 em tham gia. Những ngày sau đó, tôi phải đến từng nhà các em vận động, cộng với sự hỗ trợ mua thiết bị của các mạnh thường quân, đến tuần thứ 7 lớp  mới được… 7 em. 10 em còn lại phải vận động theo hình thức giao bài, học theo nhóm, hoặc qua nhà bạn có thiết bị học chung. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều phụ huynh sợ con họ bị lây nên từ chối thẳng không cho học chung”.

Tháo gỡ khó khăn

Về những giải pháp đảm bảo mọi điều kiện học tập cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, thầy Huỳnh Văn Mậu - Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS La Ngâu cho biết, với điều kiện thực tại, việc bố trí đầy đủ thiết bị cho các em học trực tuyến gần như là không thể. Mặc dù phòng GD&ĐT huyện cũng như nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ tiền hoặc thiết bị thông minh cho một số em, nhưng số học sinh của trường chưa có thiết bị còn rất nhiều. Vì thế, nhà trường đang phải linh động áp dụng các phương án dạy học khác nhau. Ngoài dạy trực tuyến, đa phần học sinh thuộc diện khó khăn, giáo viên phải trực tiếp giao bài, hướng dẫn tại nhà. “Ngoài ra, nếu phải học trực tuyến lâu dài, tôi kiến nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu giải ngân trước chế độ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số (1,8 triệu đồng/năm) theo Nghị quyết 04 HĐND tỉnh vừa thông qua. Với số tiền này sẽ hỗ trợ phần nào cho gia đình các em mua thiết bị học trực tuyến trong giai đoạn cấp bách hiện nay”.

Theo ông Lê Thanh Hưng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tánh Linh, hiện nay một số trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu như Trường tiểu học – THCS La Ngâu, Măng Tố, Tà Pứa, THCS Đức Thuận, Đức Bình, Suối Kiết… có tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến còn thấp. Ngoài việc thiếu thiết bị, ý thức học tập của một số học sinh chưa cao. Để đảm bảo việc học không bị gián đoạn, bản thân các giáo viên vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ phải chấp nhận phần khó về mình. Tuy nhiên, đa số các giáo viên ở đây không nề hà, luôn song hành cùng học sinh, vì đã hiểu tập quán của bà con vùng cao. Ngoài ra, ngành GD&ĐT địa phương đã chủ động phân loại theo thứ tự ưu tiên để hỗ trợ, giúp đỡ các em, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội học tập, tiếp thu đầy đủ kiến thức như nhau.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Học trực tuyến còn vô vàn khó khăn