Theo dõi trên

Thanh long VietGap sao chỉ bán chợ biên giới?

06/02/2020, 10:12 - Lượt đọc: 6

BT- Tình huống này, trong kinh doanh gọi là tự chặn đường lui của chính mình. Trước mắt, giờ chỉ mong bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp kết nối để có thể đưa thanh long VietGAP vào Trung Quốc nhiều hơn qua xuất khẩu chính ngạch. 

                
Ảnh: N Lân

Tự xoay xở

Trong khi mọi năm thường vào mùng 2 tết, các thương lái đã túa đi các vườn mua thanh long  nhưng năm nay, mãi đến ngày mùng 6 tết, hoạt động trên vẫn chưa. Trước đó, nhà vườn nào có thanh long chín dịp tết đã đánh tiếng với thương lái nhưng sau khi thấy không ổn, nhiều hộ dân có sản lượng ít đã tìm con đường khác để bán thông qua các mối người bà con, thân quen ở các tỉnh khác. Tình hình trên đã diễn ra tại huyện Hàm Thuận Nam. Mấy ngày nay, những nhà vườn có sản lượng thanh long chín khoảng 1-2 tấn đã tự cắt trái, đóng thùng đưa hàng ra quốc lộ 1A chuyển lên những xe đi về các tỉnh miền Trung, phía Bắc. Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam hồ hởi khoe rằng mấy ngày qua, bà đã chuyển xe khách hơn 1 tấn thanh long cho người quen ở Nam Định bán. Hơi nhọc công và tốn nhiều chi phí, vì phải tự cắt, tự đóng gói, tự chuyên chở ra quốc lộ 1 A nhưng bù lại, tiền thu về cũng được 10.000 đồng/kg, vì giá bán lẻ tại Nam Định được 25.000 đồng/kg. Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện tại, quan trọng nhất vẫn là làm sao bán được thanh long đã chín trên cây. Không chỉ nhà bà Mai, những nhà vườn khác ở địa bàn huyện này mà có sản lượng ít, có các mối quen biết ở các tỉnh khác đều tìm cách giải phóng thanh long đã chín. 

Theo lời kể của những hộ dân này, các mối hàng lấy thanh long Bình Thuận ở các tỉnh khác, bán qua các chợ truyền thống và cả các chợ online. Nhưng nhộn nhịp nhất là các chợ online, tất nhiên là trong phạm vi giao hàng cho phép nên giá thanh long đến tay người tiêu dùng được trân trọng ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg. Trong cảnh khó này, nhiều người bỗng nhận ra có một kênh phân phối ngách, gọn gàng nhưng lâu nay, chưa khai thác và điều đó cần thời gian để củng cố gầy dựng. Đó là kênh tiêu thụ nội địa dựa vào lòng tin lẫn nhau theo kiểu như “thanh long của bà cô, ông chú trồng ở Bình Thuận”, “thanh long VietGap nhưng không qua thị trường Trung Quốc được nên tôi bán giùm!”… Và đây là sự tự xoay xở của nhà vườn trong khi chờ các ngành chức năng cũng như hệ thống các siêu thị… vào cuộc, kích cầu tiêu thụ nội địa. 

“Chặn đường lui”?

Nhưng trong bối cảnh này, kích cầu tiêu thụ nội địa những trái thanh long, dưa hấu, chôm chôm… cùng lúc thì không phải chờ đợi đã có thể hình dung cảnh dội hàng vào những ngày tháng tới. Chuyện phải chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản những lúc “ngặt” trên thị trường lâu nay vẫn diễn ra và cứ vào những bận ấy, cơ quan chức năng, báo chí lại nhắc cần sản xuất sản phẩm theo chuẩn này, chuẩn kia để đáp ứng tiêu chuẩn vào các thị trường khó tính, ngoài Trung Quốc. Và tại các vùng chuyên canh thanh long ở tỉnh, bên cạnh diện tích sản xuất theo chuẩn VietGap, đã có những diện tích sản xuất theo chuẩn GlobalGap cả mới lẫn cũ. Nếu so với 10 năm trước, thời điểm xới lên cần phải sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP để chia sản phẩm cho nhiều thị trường khác, tránh rủi ro vì có đến 80 - 90% sản lượng xuất qua Trung Quốc theo đường mậu biên thì đã thấy có con số diện tích rõ ràng: 10.200 ha thanh long VietGap, 700 ha thanh long sản xuất theo chuẩn GlobalGap. Nhưng vào thời điểm hiện tại, khi các cửa khẩu biên giới đã phải đóng, vì lý do dịch virus corona thì sự thật cũng đã phơi bày rằng vẫn có khoảng 80% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất qua chợ biên giới. Vì sao thanh long VietGAP lại chỉ bán ở các chợ biên giới Trung Quốc mà không thể bán ở các thị trường khác?

 Một doanh nghiệp ở Bình Thuận trả lời câu hỏi này bằng một tình huống xuất khẩu khác. Rằng doanh nghiệp A. có xuất khẩu thanh long GlobalGap vào vài thị trường khó tính khác và Trung Quốc, tất nhiên là theo chính ngạch. Nhưng sau một thời gian, doanh nghiệp A. tập trung vào thị trường Trung Quốc. Lý do đưa ra là thanh long vào các thị trường khác có giá cao hơn nhưng chi phí cũng cao nên khi tính lại, bán tại thị trường Trung Quốc vẫn có lời hơn. Thế nên, doanh nghiệp A. vẫn ưu tiên thị trường Trung Quốc. Và thế là “đa số trứng vẫn để chung 1 giỏ” và đến thời điểm này, doanh nghiệp A. cũng trong tình cảnh như các hộ kinh doanh buôn bán thanh long qua chợ biên giới. Vì vậy, những diện tích thanh long chuẩn VietGap, GlobalGap cũng cùng chung tình cảnh như thanh long sản xuất không chuẩn, ngoại trừ những diện tích do chính doanh nghiệp xuất khẩu tự trồng, tự bán. Tình huống này, trong kinh doanh gọi là tự chặn đường lui của chính mình. Trước mắt, giờ chỉ mong bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp kết nối để có thể đưa thanh long VietGAP vào Trung Quốc nhiều hơn qua xuất khẩu chính ngạch. Và nỗi mong hơn nữa là tình hình dịch virus corona dịu đi để kế hoạch mở các cửa khẩu vào ngày 9/2 tới thực hiện được.  

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long VietGap sao chỉ bán chợ biên giới?