Theo dõi trên

Thương lắm miền Trung ơi!

10/11/2020, 08:24

Bài 2: Gồng mình vượt qua khó khăn

BT- Có đi đến tận nơi, nghe người dân cùng với các lực lượng ở vùng lũ kể và chứng kiến những vạch nước còn in đậm trên tường, những đường làng, ngõ xóm còn ngập nước, đồng ruộng mênh mông đục ngầu nước, bùn đặc quánh…mới thấu hiểu những gì đã và đang diễn ra ở vùng lũ…

                
   Trao quà cho bà con vùng lũ.

Từ đồng bằng

Ngày đầu tiên chúng tôi về huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những cơn mưa vẫn còn dai dẳng không ngớt. Đây là một trong những huyện có một số xã bị thiệt hại khá nặng nề. Ở xã Cam Thủy có 10 thôn thì 9 thôn đã bị ngập nước, với 1.117 nhà bị ngập, trong đó có 900 nhà ngập trên 1m.  “Có 1 em học sinh trên đường đi học về nước dâng trôi xe đạp điện, em may mắn thoát được. Dọc theo bờ sông nước dâng lên cao và nhanh khiến nhiều nhà ven sông chạy không kịp, may nhờ các lực lượng tới ứng cứu” - Đại úy Hoàng Trọng Tấn, Phó Công an xã cho chúng tôi biết thêm. Trong lúc chờ nhận quà do nhóm T.O.T phát, chúng tôi gặp cụ Võ Thị Tín ở thôn Lâm Lang 3, cụ bảo: “Tui sống một mình, nước lên nhanh quá ngập hơn 1,5m, lúa cũng gác lên nhưng bị ngập, mọc mầm hết rồi không biết lấy gì ăn đây?”.

 Gặp ai cũng nói chưa bao giờ có một trận lụt kinh khủng như vậy. Ngay Cam Tuyền và Thanh An cũng tình trạng tương tự, nước dâng lên quá nhanh người dân chỉ biết chạy lụt, ai chạy không kịp thì trèo lên bàn, lên gác mái hay lên nóc nhà chờ lực lượng cứu hộ đến. Nhờ các anh ở thôn chúng tôi đi vào các xóm nhỏ, nước vẫn ngập ở một số nhà trong khi trời vẫn mưa, vào nhà cháu Lương Minh Khang ở thôn Phổ Lại, xã Thanh An (8 tuổi), nhưng đã mồ côi cha lẫn mẹ. Khang sống với bà đã gần 80 tuổi, làm nghề gói bánh lọt. Hai bà cháu nương tựa nhau mà sống bữa đói bữa no. Khi đoàn đến gửi cụ 8 triệu đồng, cụ cứ lấy tay dụi mắt khóc vì cảm động. Còn bà Trần Thị Cúc (63 tuổi) ở KP 3, thị trấn Cam Lộ là con của Mẹ Việt Nam, bà Cúc đơn thân, nhận nuôi một bé gái nhưng không ngờ cháu lại bị động kinh, 29 năm nuôi con tật nguyền, tình mẫu tử đã gắn bó dù nhiều người khuyên bà từ bỏ nhưng bà vẫn ráng đi làm chăm cháu. Ở đây, nhóm TOT tặng quà cho 300 hộ bị ngập lụt, còn đi thăm 24 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đúng là có đi tận nơi mới thấy người dân ở đây còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua. 

Đến miền núi cũng lụt

Nếu không nhờđại úy Nguyễn Khánh Hoài - Bí thư chi đoàn Công an huyện Cam Lộ cùng với các bạn bên Công an huyện, chắc chúng tôi không thể nào lên bản Chùa được. Đây là thôn có 100 hộ đồng bào Vân Kiều sinh sống, cách trung tâm xã gần 20 km. Lúc đầu thấy đường chạy cũng tàm tạm, ai ngờ khi chỉ còn cách bản 2 km thì bị sụt lún và xe không tài nào qua được, kể cả xe tải nhẹ 2 cầu. Nào lấy là cây, gỗ chèn vào những vũng bùn nhưng do hố sâu nên xe nhích không được. Cuối cùng thì tôi và Oanh ngồi lên xehonda cho mấy bạn thanh niên len lỏi chở đi trước, còn hàng hóa Hoài nhờ xe chở gỗ chất lên chạy mà nghiêng bên này, ngã bên kia thấy sợ. Tới nơi do bão không có điện, trời lại muốn mưa, nhờ sự giúp đỡ của cán bộ bản đoàn nhanh chóng phát quà cho bà con dưới cơn mưa lắc rắc.

Sau khi phát 400 phần quà ở 4 điểm ở Cam Lộ, chúng tôi lên huyện Hướng Hóa, nơi đây có 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh vì bị vùi lấp do sạt lở. Dọc đường nhìn những vết sạt lở xói mòn 2 bên bờ sông, những vách núi đất còn chảy xuống, những đoạn đường đang được sửa chữa mới thấy sự tàn phá của lũ lụt. Con sông Xê Pon bình thường nên thơ là thế, nhưng khi có lũ lại cuồn cuộn trở nên hung dữ cuốn trôi đi tất cả. Lúc đầu chúng tôi định đi lên xã 3 tầng, nơi có bà con dân tộc Vân Kiều và Pa Ko sinh sống, nhưng vì lũ vẫn tràn về ngăn đường khiến nhiều đoàn xe phải quay đầu. Thế là nhóm phát 200 phần quà cho xã Tân Thành và thôn Khe Đá, thị trấn Lao Bảo. Bà con chỉ nước ngập mái nhà, hội trường thôn bàn ghế chưa kịp lau chùi, vết bùn còn đóng vàng trên mặt bàn. Nghe người dân kể về chạy lũ, nếu không nhờ các lực lượng ứng cứu thì không biết như thế nào. Ở Lao Bảo may có các cán bộ chiến sĩ biên phòng cửa khẩu đã hỗ trợ giúp dân rất nhiều trong trận lụt vừa rồi, cũng như dưới Cam Lộ thì lực lượng công an, bộ đội… luôn 24/24 giờ trực để giúp dân di dời, cứu dân khi nước tràn vào, dọn dẹp khi nước rút. 

Quảng Bình - kinh hoàng vì lụt

Rời Quảng Trị chúng tôi về thôn Bắc Sơn, xã Quảng Sơn, Ba Đồn, thôn có 200 hộ mà nhà nào cũng bị ngập. Theo ông Trần Đình Phức, trưởng thôn cho biết: “Trận lũ lịch sử đó chị, có 17 nhà ngập tới nóc còn lại ngập từ 1 - 1,5 m, lợn gà trôi hết, lúa nhiều nhà thu hoạch xong bị ẩm mọc mầm. Bà con chạy không kịp vì nước lên quá bất ngờ. Thôn xa nên chỉ có vài đoàn tới, chủ yếu tặng mì tôm và vài thứ thực phẩm”. Có lẽ vì vậy mà khi thấy chúng tôi tặng toàn những món quà thiết thực như mắm ruốc xào, nước mắm, chà bông, cá khô, áo khoác… kèm 500.000 đồng tiền mặt ai cũng vui.

Không chỉ đi đến những hộ dân, chúng tôi còn đến 2 trường học như Trường tiểu học và THCS Cam Lộ 2 và Trường mẫu giáo Tân Ninh ở vùng lũ Quảng Ninh, Quảng Bình tặng sách vở và 5 triệu đồng cho trường ở Cam Lộ. Riêng trường mẫu giáo nghe cô hiệu trưởng nói chỉ ước ao có 2 nồi cơm điện 25 ký để nấu ăn cho các cháu, nên nhóm đã gửi mua tặng 2 chiếc nồi trị giá 6 triệu đồng. Nhìn vạch nước gần ngập trần, sàn lớp học vẫn chưa rửa sạch do ngập quá sâu, đồ dùng học tập của các lớp hư hỏng hết, mới thấy lo vì đi học lại lấy gì mà dạy cho các bé. Lúc về, đi qua con đường độc đạo vào thôn, 2 bên đường nước vẫn ngấp nghé tới bờ, mưa vẫn nặng hạt, chúng tôi trong lòng ai cũng nặng trĩu, vì nghe bảo nếu cứ dai dẳng thế này có thể ngập nữa.

Nhìn những nụ cười vui của người dân vì được nhận quà, bao mệt nhọc khó khăn của chúng tôi với những ngày dầm mưa, lội nước, dường như tan biến… Dọc đường chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn xe lớn nhỏ nườm nượp cứ “tiến về miền Trung” bóp còi chào nhau rất vui. Tình người là thế!

Phóng sự Hà Thu ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương lắm miền Trung ơi!