Theo dõi trên

Tuyến đường cao tốc đoạn Dầu Giây – Phan Thiết:

31/03/2021, 09:31

Hàm Tân khơi thông công nghiệp

BT - Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hàm Tân sẽ làm thay đổi bộ mặt phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là góp phần tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo việc làm cho lao động tại địa phương và khu vực lân cận... 

                
2 tuyến cao tốc đoạn Vĩnh    hảo - Dầu Giâu đang thi công.

Doanh nghiệp tái chuyển động…

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây  - Phan Thiết qua địa bàn huyện Hàm Tân có chiều dài khoảng hơn 23 km đi qua 4 xã, thị trấn của huyện là Sông Phan, Tân Phúc, Tân Minh và Tân Đức. Đặc biệt, có 2 vị trí nút liên thông ra vào cao tốc kết nối trực tiếp với quốc lộ 55 tại Km102 + 400, xã Sông Phan và đường tỉnh lộ ĐT720 tại Km2+900 xã Tân Phúc. Ông Trác Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết: Khi 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết khởi công, không chỉ các doanh nghiệp trước đây đầu tư vào huyện đã “nằm im” một thời gian, nay tái khởi động mà nhiều doanh nghiệp mới trong nước cũng đến Hàm Tân tìm cơ hội.

Chứng minh cho vấn đề này, ông Cường trích dẫn: Hàm Tân có 3 khu công nghiệp (KCN) là Sơn Mỹ 1 diện tích 1.070 ha, Sơn Mỹ 2 diện tích 540 ha và Tân Đức diện tích 300 ha. Có 4 cụm công nghiệp (CCN) đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý là Thắng Hải 1,2,3 (diện tích 3 cụm khoảng 150 ha), Nghĩa Hòa (thị trấn Tân Nghĩa) diện tích 35 ha và CCN Sông Phan đang làm thủ tục. Trong các CCN và KCN thì có CCN Thắng Hải đã hoàn thành hạ tầng và đi vào hoạt động với 6 doanh nghiệp. Mặc dù dự án các CCN và KCN đã triển khai từ năm 2019 trở về trước nhưng với nhiều lý do khác nhau, các nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót vốn vào. Nguyên nhân khác là hạ tầng Hàm Tân vẫn làm các nhà đầu tư quan ngại. Cuối năm 2020 khi cao tốc đoạn qua Bình Thuận khởi công, hầu hết các nhà đầu tư đã tái khởi động như hoàn thiện hồ sơ, đầu tư hoàn thiện hạ tầng và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN và CCN. 

Còn nhiều thách thức

Sự thay đổi trên khiến người ta có thể hình dung những triển vọng không còn xa nữa. Đó là khi tuyến đường cao tốc thông thương, góp phần tạo lực hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp. Không chỉ thế, còn thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa từ các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp đến các sân bay, cảng, rút ngắn thời gian lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách. Ngoài ra, còn kết nối, rút ngắn hành trình từ các tỉnh lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đến các khu trung tâm công nghiệp, du lịch của tỉnh Bình Thuận và của huyện Hàm Tân. Cao tốc sẽ giúp giảm tải, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn trên tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Hàm Tân và đồng thời tạo ra không gian liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía nam…

Những thuận lợi trước mắt là thế nhưng cũng đồng thời lộ ra khó khăn. Hàm Tân có 22 km bờ biển nhưng trên thực tế du lịch biển ở Hàm Tân so với các địa phương khác trong tỉnh thì Hàm Tân chưa có gì. Với 18 dự án du lịch nhưng chỉ có 1 dự án đi vào hoạt động. Lý do Hàm Tân đang thiếu tuyến đường ven biển để tạo lưu thông cũng như mặt bằng kích thích du lịch. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang “ngóng” tuyến cao tốc để đưa vào hoạt động thuận lợi hơn. Anh Cường vẫn trăn trở vì Hàm Tân cần phải đầu tư nhiều hạng mục hạ tầng cơ sở như đường nối từ ĐT720 (đoạn nối cao tốc) đến quốc lộ 55 và KCN Sơn Mỹ; tuyến đường ven biển từ Sơn Mỹ đến Thắng Hải; trạm biến áp 110KW cho KCN Tân Đức và Sơn Mỹ 1 – 2; nguồn nước ngọt sinh hoạt và phục vụ các KCN, CCN… Và vấn đề đặt ra với Hàm Tân là nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện hạ tầng. Với xuất phát điểm là 1 huyện nông nghiệp nên Hàm Tân rất cần được hỗ trợ các nguồn vốn từ tỉnh đến Trung ương mới có thể xây dựng thành huyện phát triển trọng điểm phía nam theo như quy hoạch.

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyến đường cao tốc đoạn Dầu Giây – Phan Thiết: