Theo dõi trên

Vì sao hơn 12.000 ha đất Biển Lạc bị lấn chiếm chưa giải quyết được?

20/01/2016, 08:57 - Lượt đọc: 816

BT- Ông Hà Phi Vũ, ngụ tại xã Gia An (Tánh Linh) phản ánh: Tại khu vực Biển Lạc (thuộc xã Gia An và xã Gia Huynh) có hơn 12.000 ha đất bị người dân trong và ngoài huyện lấn chiếm. Năm 2006 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo huyện Tánh Linh kiểm tra, giải quyết, nhưng hơn 10 năm nay việc lấn chiếm đất tại khu vực này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn.

                
Người dân trồng mì ở khu vực Biển Lạc.

Qua tìm hiểu vấn đề nêu trên chúng tôi được biết: Với diện tích đất 12.074 ha tại khu vực Biển Lạc sau khi đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng và được bàn giao cho huyện Đức Linh và Tánh Linh quản lý từ năm 2003. Ngoài diện tích tỉnh giao cho các dự án khoảng 3.000 ha; giao các hộ thuộc chương trình 327; giao khoán theonghị định 01 sử dụng ổn định thì diện tích còn lại giao cho 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Trong đó, huyện Đức Linh đã giao 68 ha cho 95 hộ DTTS thôn 4, xã Trà Tân. Song, tình trạng lấn chiếm đất của các hộ dân diễn biến phức tạp và giải quyết rất khó khăn, kéo dài.

Trước tình hình trên ngày 17/10/2006 UBND tỉnh có văn bản 4451 chủ trương giao đất, cho thuê đất đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân với hạn mức không quá 3 ha; diện tích vượt hạn mức thì chuyển sang cho thuê đất (đất trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm). Tuy nhiên, việc giao đất và cho thuê đất khu vực Biển Lạc thuộc địa bàn 2 huyện vẫn kéo dài vì người sử dụng đất không thực hiện việc kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận do chuyển sang thuê đất (đối với người dân ngoài huyện) và chuyển sang thuê đất với diện tích lớn hơn 3 ha (đối với hộ trong huyện). Đáng lưu ý là tại huyện Tánh Linh trong tổng diện tích khu vực Biển Lạc có khoản 144 ha đất khu dân cư ổn định từ trước năm 1975 (xã Gia Huynh 65,6 ha; xã Gia An 53,5 ha; thị trấn Lạc Tánh 33,9 ha), nhưng do trước đây huyện xác lập, quy hoạch vào vùng Biển Lạc nên đến nay cũng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng trong khu vực này. Đến năm 2012 UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vướng mắc về hạn điền khi cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân. UBND tỉnh yêu cầu 2 huyện kiểm tra, rà soát, làm rõ các thông tin gởi về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, giải quyết từng trường hợp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tránh để phát sinh khiếu kiện phức tạp, hoặc lợi dụng việc cấp giấy để hợp thức hóa việc lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất trái phép.

Với tinh thần chỉ đạo đó, cuối năm 2014 Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề xuất các giải pháp giải quyết việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, cụ thể là: đối với hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản suất cây hàng năm không quá 2 ha, đối với cây trồng lâu năm không quá 10ha; về giao đất trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản suất nông nghiệp thực hiện theo quy định củaluậtđất đai 2013; cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản suất nông nghiệp hoặc vượt hạn mức đối với các hộ sản xuất nông nghiệp; đối với các khu dân cư ổn định thì hướng dẫn các hộ sử dụng đất lập hồ sơ, đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Tháng 05/2015 UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với 2 huyện kiểm tra, rà soát cụ thể từng hộ gia đình, cá nhân. Đến nay các địa phương đã báo cáo việc kê khai, đăng ký của các hộ dân gởi vềsở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Qua vấn đề nêu trên cho thấy: Việc giải quyết lấn chiếm đất tại khu vực Biển Lạc là vấn đề phức tạp, có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện và có tính lịch sử để lại do chính sách đất đai của tỉnh cũng như luậtđất đai thay đổi bổ sung qua các thời kỳ. Do vậy, trong quá trình giải quyết cần phải cân nhắc, giải quyết xem xét phù hợp với thực tiễn tại địa phương, bảo đảm thấu tình đạt lý, công bằng, không để phát sinh khiếu kiện; bảo đảm quyền lợi, cuộc sống ổn định cho người dân tại địa phương, nhất là đồng bào DTTS, hộ nghèo còn thiếu đất sản xuất.

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao hơn 12.000 ha đất Biển Lạc bị lấn chiếm chưa giải quyết được?