Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế. Bài 1
Kinh tế - Ngày đăng : 05:20, 23/06/2023
Bài 1: Tận dụng tốt cơ hội để đột phá về kinh tế
Bình Thuận đứng trước những cơ hội lớn để phát triển, đặc biệt là cơ hội để trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch, thu hút đầu tư…
Tăng trưởng kinh tế cao
6 tháng đầu năm 2023, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự cố gắng của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điểm sáng đáng chú ý, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao so với các địa phương trong cả nước. Tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP ước tăng 7,76%, xếp thứ 11 cả nước, thứ 3 trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Trên 3 trụ cột kinh tế của tỉnh đều có sự tăng trưởng: nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,69%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,03% (bao gồm: công nghiệp tăng 5,53%, xây dựng tăng 10,14%) và dịch vụ tăng 13,64% tham gia góp rất lớn trong sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thành phố biển Phan Thiết và đảo Phú Quý thu hút lượng lớn du khách.
Hoạt động du lịch sôi động trở lại với nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia đã thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng, thời gian nghỉ lễ dài, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đưa vào hoạt động, tuyến du lịch đảo Phú Quý thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm… đã tạo cơ hội cho ngành du lịch tỉnh bứt phá. Chỉ tính riêng trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, tỉnh đã đón nhận 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so cùng kỳ. 6 tháng, toàn tỉnh ước đón hơn 4,46 triệu lượt khách, tăng 86,36% so cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 11.348 tỷ đồng, tăng 1,5 lần...
Ông Phạm Quốc Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê khi đánh giá về kết quả cũng nêu bật: “Hoạt động du lịch sôi động kéo theo thương mại - dịch vụ là khu vực kinh tế tăng trưởng mạnh và đóng góp chính trong tăng trưởng kinh tế tỉnh trong những tháng đầu năm nay, đặc biệt là lĩnh vực lưu trú, ăn uống, vui chơi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 44.602 tỷ đồng, tăng đến 32,4% so cùng kỳ”.
Điểm qua các chỉ tiêu kinh tế nổi bật cho thấy, ngành nông nghiệp khá thuận lợi, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 52.290 ha, vượt 11,2 kế hoạch, chăn nuôi phát triển mạnh, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 109.238 tấn, tăng 2,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 20.435,3 tỷ đồng, tăng 3,51%, có 8/16 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, có thêm 13 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 642,63 tỷ đồng, bình quân 49,4 tỷ đồng/dự án cho thấy quy mô dự án lớn; có thêm 2 dự án đưa vào hoạt động. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục thực hiện, hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh…
Cao tốc Phan Thiết Dầu Giây và sự kiện năm Du lịch quốc gia là cơ hội lớn phát triển kinh tế
Cơ hội và nhận diện những khó khăn
6 tháng đầu năm nay mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Bình Thuận cũng đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá, phát triển nhanh. Trong đó, phải kể đến 2 dự án đường cao tốc Bắc - Nam là Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, với tổng chiều dài hơn 160 km hoàn thành đưa vào hoạt động tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại của người dân và du khách, thu hút đầu tư. Cùng với việc tổ chức các hoạt động trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” cơ hội quảng bá ngành du lịch tỉnh, tạo động lực du lịch phục hồi và tăng trưởng nhanh. Sân bay Phan Thiết (hạng mục quân sự) sắp hoàn thành, đang lựa chọn nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng sẽ mở ra nhiều triển vọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Tuy vậy, kinh tế tỉnh vẫn còn đó những khó khăn, tồn tại khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn để duy trì sản xuất, kinh doanh, chờ đợi thời cơ, cơ hội tích cực của thị trường. Điều này, thấy rõ qua những tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ có 293 doanh nghiệp, giảm 21,24% so cùng kỳ và 104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong nông nghiệp, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập. Vẫn còn trường hợp tàu cá, ngư dân ở một vài địa phương đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra, nhất là một số công trình giao thông trọng điểm, khu công nghiệp. Thu ngân sách tỉnh giảm so cùng kỳ; việc xác định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính còn chậm do các khó khăn, vướng mắc; chưa thực hiện được việc đấu giá quyền sử dụng đất…
Cần nắm bắt, khai thác tối đa những tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh hiện nay; phát huy hiệu quả lan tỏa chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia chủ đề Bình Thuận - Hội tụ xanh để phát triển du lịch, thu hút đầu tư… giữ vững đà tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây.
Cùng sự hội tụ cơ hội còn có những thách thức đan xen, lãnh đạo tỉnh hiện đã nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, cũng như làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh năm 2023.
Bài 2: Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2023