Đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc đang bị lấn chiếm. Bài 2
Kinh tế - Ngày đăng : 05:53, 23/06/2023
Các vụ việc lấn, chiếm đất tại khu vực 367 ha cần có “tiếng nói” chung của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cùng đơn vị được giao trồng rừng, mới sớm lập lại trật tự nơi đây. Khi ấy những cánh rừng trồng sẽ dần lan tỏa màu xanh khắp những đồi núi trọc không chỉ ở Sông Bình mà còn ra các địa phương khác của Bắc Bình.
Nguồn gốc dự án 367 ha trồng cỏ chăn nuôi
Theo Quyết định số 208/QĐ-CT UBND Bình Thuận, ngày 30/1/2004, do ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp số T 320261 cho Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận (tên gọi lúc đó) với diện tích 1.575,662 ha rừng trồng thuộc xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình; thời gian thực hiện trong 30 năm (đến năm 2034). Thời gian sau, huyện Bắc Bình điều chỉnh địa giới hành chính, hình thành xã Sông Bình, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận thuộc xã Sông Bình. Những năm này, đất lâm nghiệp được giao trồng rừng ổn định, không có xáo trộn.
Thực hiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, UBND tỉnh có Văn bản số 1160/UBND-KTN ngày 12/4/2016 thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận (Công ty Thông Thuận) thực hiện các thủ tục đầu tư dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại xã Sông Bình. Tiếp đó, UBND huyện Bắc Bình có Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 15/2/2017 thu hồi đất thực hiện dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt và cụm công nghiệp tại xã Sông Bình giao Công ty Thông Thuận đầu tư. Thời gian sau, Văn bản số 237/UBND-SX, ngày 21/2/2020 của huyện điều chỉnh dự án trên có quy mô diện tích từ 479 ha xuống 367,79 ha. Toàn bộ dự án hơn 367 ha này đều nằm trong diện tích Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận được UBND tỉnh giao trước đây. Công ty Lâm nghiệp đã thực hiện các thủ tục bàn giao đất cho Công ty Thông Thuận triển khai dự án.
Điều đáng nói, đầu năm 2017 khi người dân nghe ngóng thông tin diện tích 367 ha đã có quyết định thu hồi đất giao Công ty Thông Thuận, nhiều người bắt đầu vào tác động, phát dọn lấn chiếm. Trước tình hình trên, Công ty Lâm nghiệp phối hợp Công ty Thông Thuận tiến hành kiểm tra, rà soát, khoanh đo diện tích bị lấn chiếm, đã có 12,29 ha dân mới vào tác động, hiện trạng vẫn là đất trống. Doanh nghiệp được giao thực hiện dự án 367 ha đã tiến hành phát quang, trồng cỏ. Tình trạng lấn chiếm đất khu vực dự án 367 ha vài năm sau đó diễn ra nhỏ lẻ, chủ yếu các hộ tự ý vào phát dọn cây chồi, bụi tự nhiên. Các đơn vị trên địa bàn (Công ty Thông Thuận, Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận) phối hợp chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm, không có phát sinh thêm.
Giao lại đất trồng rừng
Trong diễn biến liên quan đến dự án 367 ha, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình Huỳnh Duy Khôi đã ký Quyết định số 4047/QĐ-UBND (ngày 10/8/2021) hủy Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 15/2/2017 về thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình. Lý do, thời điểm huyện ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt là chưa có căn cứ pháp lý thực hiện (hiệu lực thi hành) theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 01/2017/ NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, và tại khoản 1, Điều 13 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Theo Điều 2 quyết định, huyện giao Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp xã Sông Bình giao quyết định này và trả lại các giấy tờ liên quan đến thửa đất (nếu có) cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Tuy nhiên, theo ông Hà Việt Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận cho hay: “Đến ngày 15/4/2022, xí nghiệp cũng như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận chưa nhận được Quyết định số 4047 ngày 10/8/2021 của UBND huyện Bắc Bình!”. Sau đó, ngày 26/4/2022, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất Bắc Bình lên Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận bàn giao các giấy tờ liên quan, Quyết định số 4047 cho đơn vị. Việc chậm trễ bàn giao quyết định này cũng ảnh hưởng trong công tác phối hợp bảo vệ đất lâm nghiệp khu vực dự án 367 ha, hiện đã giao Công ty Lâm nghiệp quản lý, trồng rừng.
Manh động lấn chiếm đất trồng rừng
Theo báo cáo số 51, ngày 15/4/2022 của Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận, các việc xâm lấn đất rừng diễn ra phức tạp từ giữa năm 2021 trở đi, người dân ồ ạt vào hủy hoại rừng trồng, chiếm đất trái pháp luật. Các đối tượng lợi dụng lực lượng quản lý bảo vệ mỏng, việc tổ chức quản lý chưa chặt chẽ của Công ty Thông Thuận trước đây, đã tổ chức đưa người, thuê mướn nhân công vào chặt phá rừng trồng bạch đàn, đưa phương tiện cơ giới vào san ủi hủy hoại rừng trồng, chiếm đất trái pháp luật, diện tích khoảng 60 ha. Trong đó, các đối tượng đã cho các hộ dân xã Phan Thanh, Sông Bình, thị trấn Lương Sơn thuê mướn trồng mì 20 ha. Sau khi thu hoạch mì xong, họ lại tái chiếm đất trở lại. Đến tháng 4/2022, có hơn 184 ha trong số 367 ha đã bị người lấn chiếm và tác động lấn chiếm. Trong quá trình lực lượng bảo vệ rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận thi hành công vụ, thường bị những người lấn chiếm đất rừng thoái mạ, cản trở, thách thức, uy hiếp tinh thần, đe dọa tính mạng họ; những người lấn chiếm đất rừng cố tình thực hiện hành vi trái phép. Trước đó, hai nhân viên quản lý bảo vệ rừng (Võ Trọng Nhựt, Lê Nhựt Tân) vào khu vực 367 ha ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất trái phép đã bị một số đối tượng đánh gây thương tích. Ảnh hưởng từ việc lấn chiếm đất, đến cuối tháng 6 năm nay, xí nghiệp mới trồng được 30 ha rừng trong kế hoạch công ty giao trồng 250 ha.
Giải pháp phòng chống lấn chiếm đất rừng
Như vậy hiện nay, khu vực 367 ha xã Sông Bình được quy về chính chủ: Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận. Đơn vị chủ quản này giao Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận trồng rừng kinh tế theo kế hoạch hàng năm, góp phần phủ xanh đồi núi trọc, đất trống. Tuy nhiên trước sự tác động lấn chiếm, sang nhượng trái phép, thách thức các nhân viên bảo vệ rừng của một số người dân địa phương, đơn vị trồng rừng cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương xã Sông Bình, huyện Bắc Bình. Trước đó, UBND xã Sông Bình đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-UBND, ngày 3/10/2022, thành lập Tổ kiểm tra, phối hợp xử lý tình hình lấn chiếm đất đai của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận do một phó chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, các thành viên gồm: công chức địa chính, chỉ huy trưởng Quân sự xã, phó trưởng Công an xã, cán bộ nông nghiệp xã. Công văn số 706/ UBND-NC do Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình Mai Văn Vụ ký ngày 6/7/2022, yêu cầu Chủ tịch UBND xã Sông Bình phân công lực lượng phối hợp Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận củng cố hồ sơ ban đầu đối với các khu vực bị lấn, chiếm, tranh chấp đất đã xác định được đối tượng; trên cơ sở đó xác định hành vi lấn, chiếm hay tranh chấp đất đai để xử lý theo quy định pháp luật. Huyện cũng đề nghị Công ty Lâm nghiệp có văn bản xác định thời gian, khu vực lấn chiếm gửi UBND huyện để huyện chỉ đạo Phòng TN & MT, Công an, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND xã Sông Bình có cơ sở xử lý phù hợp. UBND Bắc Bình cảnh báo, các đối tượng lấn chiếm đất của các dự án được Nhà nước cho thuê diễn ra phức tạp ở các xã: Sông Bình, Phan Lâm, Bình An…
Các vụ việc lấn, chiếm đất tại khu vực 367 ha cần có “tiếng nói” chung của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cùng đơn vị được giao trồng rừng, mới sớm lập lại trật tự nơi đây. Khi ấy những cánh rừng trồng sẽ dần lan tỏa màu xanh khắp những đồi núi trọc không chỉ ở Sông Bình mà còn ra các địa phương khác của Bắc Bình.
Bài 1: Trồng hoa màu, sang nhượng trái phép trên đất trồng rừng